Ngày 19/03/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Chiến lược SXSH

CHIẾN LƯỢC SẢN XUẤT SẠCH HƠN TRONG CÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020
I. MỤC TIÊU​
1. Mục tiêu tổng quát
Sản xuất sạch hơn được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn từ nay đến năm 2015:
- 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp;
- 25% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn tiết kiệm được từ 5 – 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm;
- 70% các Sở Công Thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.
b) Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020:
- 90% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp;
- 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn tiết kiệm được từ 8 – 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm; 90% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về sản xuất sạch hơn;
- 90% các Sở Công Thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.
II. NHIỆM VỤ
1. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cấp, ngành, địa phương, cơ sở sản xuất công nghiệp và cộng đồng dân cư.
2. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong công nghiệp:
a) Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong công nghiệp;
b) Lồng ghép nội dung sản xuất sạch hơn vào chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp; chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường của Bộ, ngành và địa phương.
3. Nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý, tổ chức tư vấn và cơ sở sản xuất công nghiệp trong việc áp dụng sản xuất sạch hơn:
a) Nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp góp phần thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
b) Xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia sản xuất sạch hơn cho các tổ chức tư vấn và đội ngũ cán bộ kỹ thuật về sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp;
c) Hỗ trợ xây dựng thí điểm, nhân rộng các mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.
4. Phát triển mạng lưới các tổ chức hỗ trợ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giải pháp về truyền thông, nâng cao nhận thức:
a) Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đối với các cấp, các ngành và các cơ sở sản xuất công nghiệp;
b) Xây dựng, phổ biến các cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp;
c) Đẩy mạnh việc phổ biến, nhân rộng các mô hình áp dụng thành công sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
2. Giải pháp về tổ chức, quản lý và cơ chế, chính sách:
a) Đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong công nghiệp;
b) Thực hiện việc lồng ghép nội dung sản xuất sạch hơn vào chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp; chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường của Bộ, ngành và địa phương;
c) Xây dựng mạng lưới cấp giấy chứng nhận áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp theo nguyên tắc tự nguyện;
d) Phát triển mạng lưới các tổ chức hỗ trợ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp.
3. Giải pháp về hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn lực và hợp tác quốc tế:
a) Đẩy mạnh việc xây dựng, phổ biến các hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp;
b) Tăng cường liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với cơ sở sản xuất công nghiệp trong việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ phục vụ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp;
c) Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn và chuyên gia tư vấn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sạch hơn trong công nghiệp;
d) Tranh thủ các nguồn lực của tổ chức, cá nhân nước ngoài để thúc đẩy việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
4. Giải pháp về đầu tư và tài chính
a) Kinh phí để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chiến lược được huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau: vốn ngân sách nhà nước, vốn viện trợ, các nguồn tài trợ, đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và những nguồn vốn hợp pháp khác;
b) Phê duyệt về nguyên tắc 5 đề án tại Phụ lục kèm theo Quyết định này nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của Chiến lược. Các Bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm xây dựng các đề án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kinh phí thực hiện các đề án được ngân sách nhà nước bảo đảm;
c) Nhà nước hỗ trợ qua tín dụng nhà nước đối với các dự án sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường phục vụ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp;
d) Các dự án đầu tư áp dụng sản xuất sạch hơn của các cơ sở sản xuất được hưởng chính sách ưu đãi tài chính. Ban điều hành thực hiện Chiến lược có trách nhiệm tư vấn cơ chế hỗ trợ, ưu đãi chi tiết, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Xem toàn bộ nội dung Quyết định số 1419/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” TẠI ĐÂY.