Trước sự chuyển mình mạnh mẽ vì mục tiêu phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu toàn cầu, khái niệm ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) đã trở thành kim chỉ nam cho chiến lược tăng trưởng dài hạn của nhiều doanh nghiệp.
Không chỉ đơn thuần là xu hướng mang tính thời điểm, ESG đang được nhìn nhận như một yêu cầu bắt buộc, tạo lợi thế cạnh tranh và gia tăng giá trị doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư, khách hàng và cộng đồng. Việc thực hành ESG trong doanh nghiệp thể hiện sự cam kết toàn diện với các giá trị phát triển bền vững.
Ở phương diện môi trường, ESG đòi hỏi doanh nghiệp phải giảm thiểu tác động tiêu cực tới hệ sinh thái thông qua các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguyên liệu tái chế, quản lý chất thải hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính. Đây không chỉ là hành động trách nhiệm với hành tinh, mà còn giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí vận hành, cải thiện hiệu suất sản xuất và thích ứng tốt hơn với các chính sách môi trường ngày càng khắt khe.
Trong lĩnh vực xã hội, ESG yêu cầu doanh nghiệp xây dựng môi trường làm việc công bằng, tôn trọng quyền con người, đảm bảo an toàn lao động và tham gia tích cực vào các hoạt động vì cộng đồng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các doanh nghiệp có chiến lược phát triển nhân sự bền vững thường sở hữu đội ngũ lao động trung thành hơn, sáng tạo hơn và có năng suất lao động cao hơn. Đồng thời, những doanh nghiệp đầu tư vào trách nhiệm xã hội sẽ tạo dựng được niềm tin vững chắc từ khách hàng và cộng đồng, từ đó nâng cao uy tín thương hiệu.
Trụ cột quản trị – yếu tố “G” trong ESG đóng vai trò then chốt để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Việc xây dựng một cơ chế quản trị tốt giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro, đưa ra quyết định đúng đắn và duy trì sự ổn định trong quá trình phát triển. Các tiêu chí quản trị ESG thường bao gồm minh bạch tài chính, chống tham nhũng, bình đẳng giới trong lãnh đạo và sự tham gia đầy đủ của cổ đông trong các quyết sách quan trọng.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: CafeF)
Không chỉ mang lại giá trị nội tại, ESG còn mở ra cánh cửa tới các cơ hội thị trường mới. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia như EVFTA, CPTPP đều có điều khoản liên quan tới phát triển bền vững, lao động và môi trường. Doanh nghiệp đáp ứng tốt các tiêu chuẩn ESG sẽ có nhiều lợi thế trong tiếp cận các thị trường xuất khẩu, nhất là ở châu Âu nơi các nhà nhập khẩu ngày càng khắt khe về truy xuất nguồn gốc, dấu chân carbon và đạo đức kinh doanh. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Unilever, Apple, IKEA hiện cũng yêu cầu toàn bộ chuỗi cung ứng của mình phải đạt tiêu chuẩn ESG, tạo ra áp lực buộc doanh nghiệp Việt phải chuyển mình nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi.
Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tiên phong thực hiện ESG như một chiến lược trung tâm thay vì hoạt động mang tính chất phong trào. Tổng công ty May 10 là một ví dụ điển hình khi tích cực đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tái tạo và đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Hay như Tập đoàn thép Hòa Phát đã đưa ESG vào trong quy trình sản xuất thông qua việc tái sử dụng nhiệt thải để phát điện, xử lý nước tuần hoàn và tăng tỷ lệ thu hồi phế liệu trong sản xuất.
Đánh giá về tầm quan trọng của thực hành ESG với doanh nghiệp, TS. Võ Văn Huy Hoàng - Giám đốc Khối Chiến lược và Chuyển đổi Số, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy cho rằng ESG không phải là một trào lưu hay nghĩa vụ, mà là một tư duy phát triển mới gắn liền với giá trị lâu dài của doanh nghiệp. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, TS Hoàng khẳng định ESG chính là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững, vừa ứng phó hiệu quả với rủi ro, vừa tạo dựng niềm tin với các bên liên quan.
Về phía cơ quan quản lý, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy ESG thông qua việc ban hành các chính sách và khung pháp lý liên quan. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và các văn bản hướng dẫn về công bố thông tin bền vững trên thị trường chứng khoán là những bước đi cụ thể nhằm chuẩn hóa thực hành ESG. Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với các tổ chức quốc tế như IFC, UNDP để hỗ trợ doanh nghiệp Việt xây dựng báo cáo phát triển bền vững, đánh giá rủi ro ESG và tiếp cận các nguồn vốn xanh.
Tuy nhiên, việc triển khai ESG tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức do thiếu năng lực nội tại, chi phí đầu tư ban đầu cao và nhận thức chưa đồng đều giữa các doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Ernst & Young Việt Nam, nhận định: “Để ESG thực sự đi vào cốt lõi chiến lược, doanh nghiệp cần nhìn ESG như một khoản đầu tư dài hạn chứ không phải là gánh nặng tuân thủ. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ đồng bộ từ Nhà nước, tổ chức tài chính và các đối tác trong chuỗi giá trị”.
Rõ ràng, ESG không chỉ là một bộ tiêu chuẩn đạo đức, mà đã trở thành một chiến lược sống còn cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên phát triển bền vững. Doanh nghiệp nào biết đón đầu, hiểu rõ và thực hành ESG một cách nghiêm túc sẽ có cơ hội vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế trên bản đồ kinh doanh toàn cầu.
Tố Uyên