Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 20/09/2024 | 15:40 GMT+7

Tin hoạt động

Xử lý rác thải nông thôn bằng công nghệ LOSIHO

12/03/2017

Lò đốt được thiết kế có đặc thù riêng gồm buồng đốt sơ cấp và buồng đốt thứ cấp. Kết cấu lò được xây bằng gạch chịu lửa, có thể chịu được nhiệt lên đến 1.450 độ C. Vỏ lò, ống khói thiết kế bằng inox và được phủ sơn chịu nhiệt có độ bền cao. Lò được thiết kế với 5 cửa chính và 11 cửa điều tiết khí tự nhiên. Thời gian lưu khói dài (lớn hơn 2,5 giây), với nhiệt độ cao duy trì từ 650 - 1.000 độ C đủ để các hỗn hợp Hydrocacbon phân hủy triệt để, giảm nồng độ khí thải độc hại ra môi trường, các mùi hôi thối của rác được loại trừ.

Công nghệ lò đốt rác LOSIHO không phụ thuộc vào bất kỳ nguồn năng lượng nào mà hoàn toàn đốt bằng không khí tự nhiên. Chi phí đầu tư không lớn, tổng diện tích của khu xử lý tối thiểu khoảng 200 - 360 mét vuông, có thể phục vụ cho cộng đồng dân cư khoảng 10.000 người. Khí thải thoát ra ống khói đảm bảo các tiêu chí về môi trường và có nhiệt độ thấp hơn 180 độ C, do đó không có các chất độc hại, đảm bảo theo quy chuẩn về môi trường của Việt Nam. Đặc biệt, lò đốt LOSIHO vận hành khá đơn giản, không cần sử dụng nhân công có trình độ cao, có thể sử dụng trực tiếp lao động tại địa phương.

Nhờ vận hành ổn định, không ảnh hưởng đến môi trường, nhất là giá bán chưa bằng một nửa so với giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường nên đến nay đã có khoảng 100 mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt LOSIHO được lắp đặt và đưa vào sử dụng tại các tỉnh: Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Bình, Nghệ An… qua đó đã hạn chế được tình trạng người dân vứt rác thải tràn lan làm ảnh hưởng đến môi trường nông thôn, góp phần tích cực trong việc hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Trước năm 2010, xã Hải Sơn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, mới đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới; trong đó môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất bởi đặc điểm là xã phát triển nghề mộc nên lượng rác thải sinh hoạt đổ ra từ các làng nghề lớn. Mặt khác, do xã chưa có khu xử lý rác thải tập trung dẫn đến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Từ năm 2015, xã Hải Sơn được đầu tư xây dựng lò đốt rác LOSIHO, đồng thời thành lập đội thu gom rác thải nên chất lượng môi trường dần được cải thiện.

Ông Hoàng Việt Dũng, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Hải Sơn cho biết: Trước đây, chưa có hệ thống xử lý rác thải tập trung, người dân trên địa bàn thường vứt rác thải một cách bừa bãi, do đó việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí 17 về môi trường gặp nhiều khó khăn. Từ khi xã lắp đặt lò đốt rác thải, người dân tại các làng nghề trong xã đã có ý thức bỏ rác đúng quy định, phân loại rác, nhờ đó chất lượng môi trường từng bước được cải thiện và xã đã hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Trần Kiều, hiện nay nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đến tham quan, đặt mua sản phẩm lò đốt rác thải LOSIHO để xử lý rác thải nông thôn. Trên cơ sở những thành công ban đầu, ông Kiều và đội ngũ nhân viên trong Công ty đã nghiên cứu thành công quy trình xử lý rác thải bằng công nghệ nano với ưu điểm xử lý triệt để về khí thải, kể cả khi có rác thải công nghiệp lẫn trong rác sinh hoạt, hứa hẹn đây sẽ là lời giải cho tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Với những nỗ lực sáng tạo, thiết kế, sản xuất dây chuyền xử lý rác thải “Made in Viet Nam”, năm 2011 Công ty TNHH Tân Thiên Phú đã được Trung ương Đoàn trao "Giải thưởng Lương Định Của”; năm 2012 Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung ương Đoàn trao giải "Tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam”; năm 2014 Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Huy chương Vàng “Đổi mới - Sáng tạo”.