Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 21/12/2024 | 22:06 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Triển khai kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam

06/12/2022

Vừa qua, tại Tp. Hồ Chí Minh, Hội đồng trách nhiệm tự nguyện của các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam (VRCC) phối hợp với Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), Viện Chính sách chiến lược (Bộ Tài Nguyên Môi Trường) và DOW Chemical Việt Nam tổ chức Hội thảo "Ngành công nghiệp hoá chất và các giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn và ứng phó với biến đổi khí hậu."
Đây là sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về tăng cường năng lực của các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam nói chung và các thành viên Hội đồng trách nhiệm tự nguyện của các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam (VRCC) nói riêng trong việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu để phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn/)
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương): "công nghiệp hóa chất hiện đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia và là ngành sản xuất lớn thứ năm toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển mạnh ngành công nghiệp hóa chất, nhưng quy mô và tốc độ phát triển của ngành chưa tương xứng với vai trò và tiềm năng phát triển. Đơn cử như nhiều loại nguyên liệu và sản phẩm hóa chất còn phụ thuộc vào nhập khẩu; đầu tư cho ngành còn hạn chế; cơ cấu đầu tư còn bất hợp lý, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chưa hình thành chuỗi giá trị các sản phẩm hóa chất trong khu vực và toàn cầu."
Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) phát biểu (Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn/)
Theo báo cáo “Ngành công nghiệp hóa chất toàn cầu: Thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết các thách thức về tính bền vững của thế giới” của Hiệp hội Hóa chất quốc tế, ngành công nghiệp hóa chất đóng góp ước tính 5,7 nghìn tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới thông qua các tác động trực tiếp, gián tiếp và gây ra, tương đương với 7% GDP của thế giới và hỗ trợ 120 triệu việc làm trên toàn thế giới.
Để thúc đẩy tiềm năng phát triển cho ngành này, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng và trình Chính phủ thẩm định, phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Trong đó, chủ trương khuyến khích đầu tư xây dựng các Tổ hợp công nghiệp hóa chất, các khu công nghiệp hóa chất chuyên sâu với nhiều doanh nghiệp hóa chất có liên quan để tạo thành chuỗi liên kết, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành công nghiệp này. 
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Văn Thanh, TS. Phùng Hà - Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho rằng, ngành hóa chất gắn chặt với nhu cầu sản xuất, phát triển của mọi ngành kinh tế, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do đặc điểm của hóa chất như tính oxi hóa, tính ăn mòn, tính cháy, tính nổ, tính tích lũy sinh học,... Đặc biệt ngành phân bón lại là ngành có nhiều tác động trực tiếp đến đời sống con người. 
"Xuất phát từ nhu cầu tự thân, cũng như xu hướng chung của thế giới về việc định hướng hóa học thành hóa học xanh, ưu tiên thúc đẩy các dự án về hydro xanh, amoniac xanh, ngành phân bón của Việt Nam thời gian qua cũng tích cực triển khai các dự án xanh, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Điển hình là một số nhà máy ure đã triển khai thành công quá trình thu hồi CO2 trong sản xuất, để tái tổng hợp thành phân ure như nhà máy Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc."  TS. Phùng Hà nhấn mạnh.
Tương tự các doanh nghiệp trong ngành phân bón, nắm bắt những chủ trương của Chính phủ và Bộ Công Thương trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất, bà Mai Uyên - Giám đốc phát triển bền vững Công ty Dow Chemical Việt Nam cho biết, Dow Chemical Việt Nam là công ty chuyên cung cấp các sản phẩm đầu vào thiết yếu cho nhiều ngành công nghiệp phụ trợ và hạ nguồn tại Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến các giải pháp bền vững mang tới một tương lai carbon thấp.
Vì vậy, trong thời gian qua, Dow Chemical Việt Nam đã và đang đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, cam kết mục tiêu không rác thải, chú trọng hợp tác đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng để nhanh chóng đẩy mạnh việc tái chế chất thải. 
Từ những chia sẻ của các chuyên gia, các đơn vị cũng như xu hướng phát triển chung trong thời gian tới của ngành công nghiệp hóa chất, các đại biểu tham gia Hội nghị đều nhất trí với yêu cầu thúc đẩy hơn nữa phát triển của mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành công nghiệp hóa chất. Đồng thời, cần tập trung nâng cao nhận thức ở nhiều cấp quản lý ngành hóa chất và môi trường của Việt Nam, cũng như của cộng đồng công nghiệp hóa chất Việt Nam nói riêng và cộng đồng công nghiệp Việt Nam nói chung. 
Đối với các doanh nghiệp, cần xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với các định hướng đã đề ra trong Chiến lược của ngành. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng xanh, thân thiện môi trường, áp dụng các mô hình quản lý hiện đại như hóa học xanh, kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững. Có như thế mới góp phần thực sự cho việc đạt được các mục tiêu của phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất nói riêng và nền công nghiệp Việt Nam nói chung. 
Quang Ngọc