Ngày 27/04/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tin hoạt động

Ngành nhựa và cao su hướng đến công nghệ tái chế và thân thiện với môi trường

11:35 - 14/03/2024
Từ ngày 13-15/3, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP.HCM diễn ra triển lãm quốc tế lần thứ 11 về công nghệ, nguyên phụ liệu và thiết bị máy móc ngành nhựa và cao su Việt Nam - Plastics & Rubber Vietnam 2024.
Triển lãm có tổng diện tích trưng bày lên đến 3,300m2 với sự tham gia của hơn 60 gian hàng đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Đức, Ý, Áo, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam... Trong đó, có 5 nhóm gian hàng quốc tế đến từ Đức, Ý, Áo, Trung Quốc và Đài Loan.
Triển lãm dự kiến chào đón hơn 3.500 cá nhân và các đoàn tham quan chuyên ngành đến từ nhiều lĩnh vực trong ngành nhựa, cao su Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Các đơn vị tham gia Plastics & Rubber Vietnam 2024 giới thiệu đa dạng thiết bị vận hành và phụ trợ ngành nhựa-cao su, cùng nhiều hội thảo chuyên đề phục vụ cộng đồng ngành nhựa trong nước. Đây là cơ hội để doanh nghiệp có thể tiếp cận những thiết bị, công nghệ hiện đại nhất đến từ những tập đoàn hàng đầu trên thế giới, kết nối, xây dựng quan hệ đối tác kinh doanh và cập nhật các xu hướng, kiến thức ngành hữu ích… giúp cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận được những công nghệ tiên tiến nhất.
Đại diện Ban tổ chức, ông Ben Wong, Tổng giám đốc Informa Markets Việt Nam, cho biết sản lượng nhựa toàn cầu đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu thế kỷ, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh do gia tăng dân số, sức mua và nhu cầu tiêu thụ nhựa hằng ngày nêm ngành cần tìm kiếm cơ hội phát triển mới. Đồng thời, doanh nghiệp muốn đảm bảo tính bền vững, nâng cao lợi ích kinh tế của ngành nhựa, cần giải pháp giảm thiểu vật liệu nhựa không thể tái chế, nguồn cung ứng thay thế, đầu tư vào công nghệ tái chế cải tiến và phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Do đó, Ban tổ chức kỳ vọng thông qua Plastics & Rubber Vietnam 2024 kết nối nhà cung cấp hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới đến với doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy giao thương kinh doanh quốc tế trên toàn ngành nhựa và cao su. Đặc biệt, với hành trình hơn một thập kỷ đồng hành cùng ngành, triển lãm cũng xây dựng chuỗi hội thảo chuyên đề hướng đến mục tiêu mở ra nhiều góc nhìn về ngành nhựa tuần hoàn và nguyên liệu nhựa tái chế, cao su trên thực tiễn tại Việt Nam.
Các hạt nhựa xanh, thân thiện môi trường từ bã mía, bột ngô,... được giới thiệu tại Plastics & Rubber Vietnam 2024. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Bên cạnh không gian trưng bày, Plastics and Rubber Vietnam 2024 còn tổ chức chuỗi hội thảo xoay quanh chủ đề ứng dụng công nghệ sản xuất, quản trị ngành nhựa, cao-su: “Diễn đàn Giải pháp tái chế và phát triển bền vững”; Hội thảo “Tiêu chí nhãn sinh thái với nhựa thân thiện với môi trường: kinh nghiệm quốc tế và quy định tại Việt Nam”; Hội thảo “Những cách tiếp cận mới hướng đến hiệu quả và bền vững cho sản phẩm ngành nhựa tại Việt Nam”.
Triển lãm kéo dài từ ngày 13-15/3/2024. Triển lãm được tổ chức bởi công ty Informa Markets Việt Nam và Messe Düsseldorf Asia.
Quy mô thị trường Nhựa Việt Nam ước tính đạt 10,92 triệu tấn vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 16,36 triệu tấn vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR đạt 8,44% trong giai đoạn 2024 – 2029 (Mordor Intelligence, 2023). Dù những ảnh hưởng của tình hình kinh tế toàn cầu lên ngành nhựa là không thể phủ nhận, các chính sách kích cầu và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã góp phần duy trì mức tăng trưởng của ngành nhựa Việt Nam. Trong một vài năm tới, phân khúc nhựa xây dựng được dự báo sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành, chiếm khoảng 1/4 tổng ngành nhựa. Bên cạnh đó, ngành bao bì nhựa cũng sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của các nhóm hàng tiêu dùng nhanh, nổi bật là ngành sản xuất chai nhựa, với doanh số bán chai nhựa tại Việt Nam dự kiến đạt 1,126.5 triệu USD vào năm 2033 (Future Market Insight, 2023).
Trong quá trình chuyển dịch sang nền công nghiệp nhựa tái, quy mô thị trường nhựa tái chế Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt 409,9 nghìn tấn vào năm 2028, đạt tốc độ tăng trưởng (CAGR) là 8,36% trong giai đoạn 2023 – 2028 (Report Linker, 2023). Các mối quan tâm ngày càng cao về các vấn đề môi trường và sự gia tăng giá cả của nhựa thông thường là những yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của phân khúc này.
Cùng với nhựa, ngành cao su Việt Nam cũng có những chuyển biến tích cực trong những tháng đầu năm. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt khoảng 260 nghìn tấn, trị giá 365 triệu USD, tăng 92,6% về lượng và tăng 99,8% về trị giá so với tháng 1/2023. Giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á cũng có xu hướng tăng trong tháng 1/2024 do được hỗ trợ bởi triển vọng thị trường ô tô lạc quan và các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc, cũng như giá dầu cao hơn. Trong năm 2023, Việt Nam là một trong năm nước xuất khẩu cao su sang Trung Quốc nhiều nhất, với tổng sản lượng 1,68 triệu tấn, trị giá 2,24 triệu USD (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, 1/2024).
Hương Linh