Ngày 20/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Kinh tế tuần hoàn

Phát triển chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn

08:36 - 18/09/2023
Để phát triển nền nông nghiệp bền vững, cần thiết phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, phát triển chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, phát huy tính giá trị của nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường
Ngày 28.1.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Tiếp đó, ngày 16.6.2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nêu rõ: nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh… Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chiến lược và Nghị quyết đều nhấn mạnh tới khái niệm “kinh tế nông thôn”, “kinh tế nông nghiệp” như là đối trọng của “sản xuất nông nghiệp”. Tư duy sản xuất nông nghiệp là lấy sản lượng làm mục tiêu, còn tư duy kinh tế nông nghiệp là lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu. Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp nghĩa là chuyển đổi tư duy tăng sản lượng sang tăng giá trị. Tư duy sản xuất nông nghiệp là bán cái mình có, tư duy kinh tế nông nghiệp là bán cái thị trường cần (bao gồm giá trị, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiện ích). Trong sản xuất, người nông dân ít khi tính tới chi phí đầu vào mà chỉ chú trọng đến giá bán, trong khi đó càng giảm chi phí đầu vào thì càng tăng lợi nhuận, tăng giá trị gia tăng. Giá cao hay thấp chỉ phản ánh sự khan hiếm của hàng hóa, thị trường sẽ tự điều chỉnh giá cả.        
Chuyển đổi tư duy nông nghiệp là nông nghiệp Việt Nam sẽ chuyển đổi không cạnh tranh bằng số lượng, bằng khai thác tự nhiên mà hướng đến canh tranh bằng sản xuất ít, sản xuất tiết kiệm, giảm bớt sức ép môi trường, một nền nông nghiệp đem lại hiệu qủa cao hơn. Tư duy kinh tế nông nghiệp được Bộ trưởng Lê Minh Hoan đúc rút lại với 6 từ khóa “Hợp tác - Liên kết - Thị trường - Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Đa dạng hóa sản phẩm chế biến”. Giảm được một đồng chi phí nghĩa là đã tăng được một đồng lợi nhuận cho người nông dân nếu cùng giá bán ra. Muốn nuôi con gì, cây gì thì đầu tiên những người nông dân phải hợp tác với nhau để giảm chi phí, nâng cao chất lượng, thay đổi quy trình canh tác để ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Nâng cao chất lượng nông sản 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) cho biết, Bộ phấn đấu năm 2023 tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt từ 3 - 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ 54 - 55 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, để chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, cần phải lưu ý đến chất lượng giống cây trồng, kết hợp giữa hỗ trợ đầu vào với tạo đầu ra cho thị trường nông sản. Ngành nông nghiệp và các địa phương cần thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn với du lịch để gia tăng giá trị nông sản. Quan tâm nâng cao chất lượng nông sản phục vụ thị trường nội địa, bảo đảm chất lượng, uy tín, từ đó tiến xa hơn thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, có giải pháp tạo dựng niềm tin cho người nông dân, nâng cao nhận thức để củng cố lại hoạt động của kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tổ hợp tác. Tạo ra giá trị kinh tế nông nghiệp mới hội tụ với công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ xanh và du lịch.
Ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trong nước; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường để đánh giá, đề xuất các đối sách, kịch bản thích ứng với diễn biến cung - cầu trên thế giới, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, đa dạng hóa và phát triển thị trường xuất khẩu. Các đơn vị nâng cao hiệu quả trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. 
Bộ NN - PTNT thực hiện các chiến lược phát triển ngành hàng theo hướng tích hợp đa giá trị, tăng hàm lượng khoa học công nghệ; đồng thời đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn cũng như thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bộ NN - PTNT sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng ngành năm 2023. Để phát triển thị trường lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn bền vững, Bộ NN - PTNT sẽ chú trọng đào tạo, huấn luyện hình thành đội ngũ nông dân thế hệ mới có kiến thức kinh tế, kỹ năng thích ứng với nền nông nghiệp xanh và thị trường; gắn nhiệm vụ đào tạo với các cơ sở giáo dục, đào tạo, các viện trường. Cùng với đó, xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp giảm phát thải, sản xuất nguyên liệu đầu vào các ngành hàng nông nghiệp.
Theo: Đại biểu nhân dân