Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 21/12/2024 | 19:35 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Biến bẹ chuối, bẹ cau thành túi, khay đựng thực phẩm

10/07/2023

Từ phụ phẩm nông nghiệp bỏ đi như bẹ chuối, bẹ cau các nhà khoa học Viện nghiên cứu Công nghiệp rừng, Viện Khoa Học Lâm Nghiệp Việt Nam đã chế tạo ra túi, khay đựng thực phẩm đẹp mắt, thân thiện với môi trường.
Tại Việt Nam cây chuối được trồng rất nhiều và có mặt tại hầu hết các địa phương trên cả nước. Các thân cây chuối sau khi thu hoạch quả đều chỉ dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc bỏ đi gây lãng phí, gây ô nhiễm môi trường. 
Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu Viện nghiên cứu Công nghiệp rừng đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo máy ép định hình và xây dựng quy trình sản xuất túi, khay đựng thực phẩm từ bẹ chuối, bẹ cau”. Đề tài do TS Bùi Thị Thủy làm chủ nhiệm thuộc chương trình "Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021- 2025", Lĩnh vực Sử dụng hợp lý tài nguyên và Bảo vệ môi trường.
Thân cây chuối sau khi thu hoạch quả chỉ dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc bỏ đi gây lãng phí, gây ô nhiễm môi trường. 
Triển khai đề tài, nhóm thực hiện tập trung nghiên cứu các nội dung chính: Tổng quan tài liệu và những vấn đề lý thuyết có liên quan đến công nghệ tạo sợi chuối và sản xuất túi từ sợi chuối, tạo khay từ bẹ chuối, bẹ cau; Nghiên cứu xây dựng 03 quy trình: tạo túi đựng thực phẩm từ bẹ chuối, tạo khay đựng thực phẩm từ bẹ chuối và tạo khay đựng thực phẩm từ bẹ cau; Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy ép định hình và Thực nghiệm và hoàn thiện các quy trình.
Theo đó, quy trình tạo túi đựng thực phẩm từ bẹ chuối gồm: Tách sợi khi bẹ chuối lưu trữ không quá 3 ngày. Rửa sợi trong nước, nhúng trong nước vôi nồng độ 0,5% trong thời gian 1-2 phút. Sấy/hong phơi sợi đến độ ẩm 10-12%, se thành sợi cơ sở đường kính 1mm bằng máy se sợi, đan mắt cáo kiểu thắt nút mỗi hàng đan cách nhau 3-5 cm để tạo túi.
Quy trình tạo khay đựng thực phẩm từ bẹ chuối gồm: Bóc bẹ chuối không quá 3 ngày sau chặt hạ, không loại nước, sấy ở 60oC/ 48 giờ (hoặc đến độ ẩm 10-12%), làm phẳng bề mặt sợi, cắt thành tấm theo kích thước, quét chất kết dính VL-611 140 g/m2 bề mặt; đặt 02 lớp bẹ chuối lên nhau theo hướng vuông góc; ép bẹ chuối bằng máy ép định hình, nhiệt độ ép 120oC, áp suất ép 1,38 MPa, thời gian ép 5 phút; chiếu UV khử trùng và đóng gói khay.
Quy trình tạo khay đựng thực phẩm từ bẹ cau gồm: thu thập bẹ cau (lựa chọn bẹ cau rụng trong vòng 3 ngày), rửa sạch, phơi/sấy đến độ ẩm 10-15%, trước khi ép nhúng bẹ cau vào nước 01 phút, vớt ra để 5-10 phút cho ráo; ép bẹ cau bằng máy ép định hình, nhiệt độ ép 120oC, áp suất ép 1,38 MPa, thời gian ép 01 phút; chiếu UV khử trùng và đóng gói khay.
Nhóm nghiên cứu cũng đã thiết kế, chế tạo máy ép định hình tạo sản phẩm khay từ bẹ cau, bẹ chuối với nguyên lý làm việc sử dụng thủy lực, kết cấu khung máy hình chữ H, công suất động cơ bơm thủy lực 3 Kw/380V, gia nhiệt trên khuôn ép bằng nhiệt điện trở và tự động điều khiển theo chế độ cài đặt, năng suất đạt từ 40 - 50 chiếc khay/giờ đối với bẹ cau và 12 – 15 chiếc khay/ giờ đối với bẹ chuối.
Với kết quả nghiên cứu trên nhóm thực hiện đã thử nghiệm tại Hợp tác xã Nông Lâm Thuỷ Hải sản Nam Việt; được hiệu chỉnh, hoàn thiện sản phẩm mẫu. Máy ép định hình đã được Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn máy thiết bị Nông Nghiệp cấp “Giấy chứng nhận kiểm định kỹ thuật máy, thiết bị” số : 01/01 –MNN –PB/23. Các thông số kỹ thuật máy đảm bảo an toàn đưa vào sử dụng trong sản xuất.
Sản phẩm của đề tài nghiên cứu.
Chia sẻ về hiệu quả kinh tế, môi trường của đề tài nghiên cứu, TS Bùi Thị Thủy cho biết: "Sản phẩm túi từ sợi chuối, khay từ bẹ chuối, khay từ bẹ cau mang lại giá trị cao hơn so việc đốt bỏ hoặc ủ làm phân bón: góp phần đa dạng hóa sản phẩm bao bì, tăng giá trị kinh tế, thân thiện với môi trường, tạo công ăn việc làm cho người dân."
Thời gian tới nhóm thực hiện đề tài tiếp tục nghiên cứu, thiết kế khuôn để tăng năng suất. Đồng thời, bổ sung mô tả về các loại sản phẩm khay, túi (thông số, kích thước, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, thời gian bám mốc bám bụi, thời gian bảo quản, phương pháp bảo quản).
Nghiên cứu tận dụng các phụ phẩm của ngành nông nghiệp chế biến thành các vật liệu mới, bền vững không phải là xu hướng mới. Giải quyết được vấn đề này sẽ giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường, đồng thời tạo nguồn cung vật liệu đầu vào bền vững, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. 
Anh Thư