Ngày 20/04/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Hỏi đáp

Sản xuất sạch hơn có ý nghĩa đối với tất cả các cơ sở công nghiệp, lớn hay bé, tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng, nước nhiều hay ít. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đều có tiềm năng giảm lượng nguyên nhiên liệu tiêu thụ từ 10-15%.
Sạch hơn và tốt hơn cho các doanh nghiệp

Tại sao vậy? Các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn là doanh nghiệp đã giảm thiểu các tổn thất nguyên vật liệu và sản phẩm, do đó có thể đạt sản lượng cao hơn, chất lượng ổn định, tổng thu nhập kinh tế cũng như tính cạnh tranh cao hơn.

Giảm nguyên liệu và năng lượng sử dụng

Do giá thành ngày một tăng của các nguyên liệu sử dụng cũng như hiện trạng ngày càng khan hiếm nước, không một doanh nghiệp nào có thể chấp nhận việc thải bỏ các tài nguyên này dưới dạng chất thải. Nước và năng lượng là đặc biệt quan trọng, đặc biệt với các doanh nghiệp sử dụng với khối lượng lớn.

Tiếp cận tài chính dễ dàng hơn

Các cơ quan tài chính ngày một nhận thức rõ sự nghiêm trọng của việc huỷ hoại môi trường và hiện đang nghiên cứu các dự thảo dự án mở rộng hoặc hiện đại hoá mà trong đó các khoản vay đều được nhìn nhận từ góc độ môi trường. Các kế hoạch hành động về sản xuất sạch hơn sẽ đem lại hình ảnh môi trường có lợi về doanh nghiệp của bạn tới các nhà cho vay, do đó sẽ tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn hỗ trợ tài chính.

Các cơ hội thị trường mới và được cải thiện

Việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề môi trường đã dẫn đến sự bùng nổ nhu cầu về sản phẩm xanh trên thị trường quốc tế. Chính vì vậy, khi bạn đã có những nỗ lực nhận thức về sản xuất sạch hơn, bạn sẽ có thể mở ra đựoc nhiều cơ hội thị trường mới và sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn và có thể bán ra với giá cao hơn.

Các doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, ví dụ như: ISO14001, hoặc các yêu cầu của thị trường như nhãn sinh thái.

Thực hiện đánh giá sản xuất sạch hơn sẽ giúp cho việc thực hiện hệ thống quản lý môi trường như: ISO 14001 dễ dàng hơn.

Tạo nên hình ảnh công ty tốt hơn

Sản xuất sạch hơn phản ánh và cải thiện hình ảnh chung về doanh nghiệp của bạn. Không cần phải nhắc lại, một công ty với hình ảnh "xanh" sẽ được cả xã hội và các cơ quan hữu quan chấp nhận dễ dàng hơn.

Môi trường làm việc tốt hơn

Việc nhận thức ra tầm quan trọng của một môi trường làm việc sạch và an toàn đang ngày một gia tăng trong số các công nhân. Bằng cách đảm bảo các điều kiện làm việc thích hợp thông qua thực hành sản xuất sạch hơn, bạn có thể làm tăng ý thức của các cán bộ, đồng thời xây dựng ý thức kiểm soát chất thải. Các hoạt động như vậy sẽ giúp cho doanh nghiệp của bạn đạt được khả năng cạnh tranh.

Tuân thủ luật môi trường tốt hơn

Các tiêu chuẩn môi trường về phát thải các chất thải (lỏng, rắn, khí) đang trở nên ngày một chặt chẽ hơn. Để đáp ứng được các tiêu này thường yêu cầu việc lắp đặt các hệ thống kiểm soát ô nhiễm phức tạp và đắt tiền. Sản xuất sạch hơn hỗ trợ cho việc xử lý các dòng thải, và do đó doanh nghiệp sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn thải một cách dễ dàng, đơn giản và rẻ tiền hơn. Sản xuất sạch hơn dẫn dến việc giảm chất thải, giảm lượng phát thải và thậm chí giảm cả độc tố theo qui luật vòng tròn.

Các lợi ích của sản xuất sạch hơn

- Cải thiện hiệu suất sản xuất;
- Sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng có hiệu quả hơn;
- Tái sử dụng phần bán thành phẩm có giá trị;
- Giảm ô nhiễm;
- Giảm chi phí xử lý và thải bỏ các chất thải rắn, nước thải, khí thải;
- Tạo nên hình ảnh về mình tốt hơn;
- Cải thiện sức khoẻ nghề nghiệp và và an toàn. 


SXSH yêu cầu sự tham gia của mọi thành viên trong doanh nghiệp hay nói cách khác là phải lôi cuốn mọi người cùng tham gia. 

Đặc biệt SXSH cần có sự cam kết và chỉ đạo thực hiện tích cực từ người đứng đầu doanh nghiệp. Một đánh giá SXSH thành công nhất thiết phải có sự cam kết mạnh mẽ từ phía ban lãnh đạo. Cam kết này thể hiện qua sự tham gia và giám sát trực tiếp. Sự nghiêm túc được thể hiện qua hành động, không chỉ dừng lại ở lời nói.

Cán bộ giám sát và công nhân vận hành cần phải tham gia một cách tích cực ngay từ thời điểm ban đầu của chương trình SXSH. Công nhân là những người đóng góp đáng kể trong việc xác định, thực hiện và phát triển các giải pháp SXSH.


Làm thế nào để đạt được sự cam kết của lãnh đạo

- Ước tính giá trị của lượng tài nguyên mất mát dưới dạng chất thải;

- Chỉ rõ hậu quả môi trường (và tính pháp lý) của việc phát sinh dòng thải này; và

- Nhấn mạnh việc sản xuất sạch hơn có thể cải thiện hiện trạng như thế nào.

Với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc, năm 1998, Việt Nam đã có Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam đặt tại Viện Khoa học Công nghệ & Môi trường, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.


Trung tâm này đã có những hoạt động như đào tạo các giảng viên tiềm năng, tiến hành thí điểm trình diễn SXSH tại một số cơ sở sản xuất, đào tạo nâng cao trình độ về SXSH  cho các cán bộ kỹ thuật. Thông qua các hoạt động thực tế, Trung tâm đã đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc áp dụng SXSH nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh đồng thời bảo vệ môi trường. Trung tâm có chương trình trình diễn các dự án SXSH tại 15 công ty đồng thời đào tạo cho cán bộ của cơ sở trong quá trình thực hiện.


Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã có những hoạt động triển khai thực hiện SXSH từ năm 2000.


Bộ đã tham gia vào dự án “Những chiến lược và cơ chế khuyến khích đầu tư SXSH tại các nước đang phát triển“ của UNEP và là đầu mối tổ chức hợp phần “Quá trình đầu tư cho SXSH“ của dự án này. Bộ đã tổ chức 5 khoá đào tạo cho các cán bộ chủ chốt ngành công nghiệp trong cả nước về SXSH, cách lập dự án đầu tư và khai thác nguồn vốn. Một số cơ quan khoa học trong Bộ đó tổ chức nghiên cứu và tham gia các hoạt động đào tạo, phổ biến thông tin, điều tra, khảo sát tiềm năng SXSH của số cơ sở được lựa chọn.


Đến năm 2005, đã có khoảng 180 doanh nghiệp công nghiệp tại 34 tỉnh thành đã tham gia vào các hoạt động đánh giá/trình diễn SXSH, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như: Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Nam Định, Phú Thọ, Việt Trì, Thái Nguyên, Hà Nội …