Back

Không còn là khái niệm xa vời, tiêu dùng xanh đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững. Tiêu dùng xanh không chỉ là một lựa chọn, mà là một động lực thay đổi quan trọng cho nền kinh tế và môi trường.

Xu thế tất yếu

Cùng với sự phát triển kinh tế và đô thị hóa, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, mô hình tiêu dùng hiện nay thiên về tiện lợi, giá rẻ và mua sắm không kiểm soát đang gây ra áp lực lớn lên tài nguyên thiên nhiên, làm gia tăng ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. Khoảng cách giữa nhu cầu tiêu dùng và khả năng tự tái tạo của Trái Đất ngày càng lớn. Nếu không thay đổi, chúng ta đang tiêu dùng vượt quá giới hạn "chịu đựng" của hành tinh!


Trong bối cảnh đó, tiêu dùng bền vững đã trở thành một trong những định hướng trọng tâm của chiến lược phát triển toàn cầu. Đây là mô hình tiêu dùng có trách nhiệm, dựa trên việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ không chỉ phù hợp với nhu cầu mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ quyền lợi của các thế hệ tương lai.

Tại Việt Nam, tiêu dùng bền vững không chỉ là một xu hướng mà đang dần trở thành một yêu cầu pháp lý. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) năm 2023, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, đã lần đầu tiên đưa khái niệm “tiêu dùng bền vững” vào khuôn khổ pháp lý. Đây là bước tiến quan trọng, thể hiện sự nhìn nhận rõ ràng về vai trò của người tiêu dùng trong tiến trình phát triển bền vững. Luật cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các bên liên quan từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến người tiêu dùng trong việc thúc đẩy hành vi tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường, xã hội và sức khỏe cộng đồng.


Bên cạnh đó, tại Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đây là một mục tiêu đầy thách thức, đòi hỏi sự tham gia đồng bộ từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân. Trong đó, mỗi hành vi tiêu dùng từ việc chọn mua sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm điện nước, đến thói quen giảm rác thải đều có vai trò quan trọng.


Khi người tiêu dùng thay đổi thói quen, họ không chỉ đang góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo áp lực tích cực buộc chuỗi sản xuất và phân phối phải chuyển đổi theo hướng bền vững. Thúc đẩy tiêu dùng bền vững chính là thúc đẩy một tương lai xanh, công bằng và có trách nhiệm hơn cho mọi thế hệ.

Những chuyển biến tích cực

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2023. Đáng chú ý, có đến hơn 70% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, phản ánh sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi tiêu dùng của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.

Xu hướng này được cụ thể hóa qua sự phát triển mạnh mẽ của các ngành hàng xanh. Báo cáo từ Euromonitor cho thấy thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam đã đạt giá trị 100 triệu USD vào năm 2023, tăng 20% so với năm 2020. Trong lĩnh vực chăm sóc nhà cửa, doanh số bán các sản phẩm tẩy rửa sinh học cũng tăng đáng kể trong năm 2022. Riêng ngành thời trang bền vững đã thu hút hơn 1 triệu người tiêu dùng Việt Nam trong năm qua.


Hiện nay, hành lang pháp lý tại Việt Nam cũng đang dần hoàn thiện để thúc đẩy tiêu dùng bền vững trở thành xu hướng chủ đạo. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, là bước tiến quan trọng khi lần đầu tiên ban hành chính thức khái niệm “tiêu dùng bền vững”. Luật nhấn mạnh trách nhiệm không chỉ của người tiêu dùng mà còn của các tổ chức, cá nhân sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, từ đó khuyến khích cung ứng sản phẩm thân thiện môi trường, minh bạch thông tin và bảo đảm quyền được sống trong môi trường an toàn của người tiêu dùng.


Bên cạnh đó, các chương trình như Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021- 2030… đang tạo hành lang pháp lý và hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh và người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm thân thiện.

Ngoài ra, nhiều địa phương cũng đã chủ động triển khai các mô hình thực tiễn như gian hàng xanh trong siêu thị, chợ dân sinh không túi nilon, thành phố không rác thải nhựa dùng một lần… góp phần đưa tiêu dùng bền vững đến gần hơn với đời sống hàng ngày của người dân.


Trước làn sóng tiêu dùng bền vững ngày càng lan rộng, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, xem tiêu dùng xanh không chỉ là xu hướng mà còn là một phần tất yếu trong chiến lược phát triển bền vững dài hạn. Các doanh nghiệp không chỉ tạo ra sản phẩm xanh, mà còn góp phần dẫn dắt và định hướng người tiêu dùng thông qua các chiến dịch truyền thông, chương trình thu hồi - tái chế và chính sách khuyến khích hành vi tiêu dùng tích cực.


Đơn cử như trong ngành sữa, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã nhanh chóng đầu tư, chuyển dịch sản xuất, cung ứng hàng hóa theo tiêu chí xanh, sạch, minh bạch thông tin sản phẩm. Ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc điều hành Marketing của Vinamilk chia sẻ: "Sản phẩm Sữa tươi Vinamilk Green Farm ra mắt thị trường ngay trong đỉnh dịch COVID-19 năm 2021, nhưng sản phẩm này vẫn nhận được sự đón nhận tích cực từ người tiêu dùng. Vinamilk Green Farm được người tiêu dùng yêu thích và đánh giá cao không chỉ bởi chất lượng, hương vị thiên nhiên, thuần khiết mà còn bởi vì đây là một sản phẩm thân thiện với môi trường, gần gũi thiên nhiên."



Tại các nhà máy, sản phẩm sữa tươi Vinamilk Green Farm tiếp tục được bảo đảm yếu tố bền vững ở khâu sản xuất. Hệ thống xử lý chất thải hiện đại với 100% nước thải được xử lý đạt chuẩn trước khi ra môi trường. Hệ thống năng lượng xanh như Biomass, CNG, và năng lượng mặt trời được trang bị nhằm giảm phát thải carbon, góp phần vào nỗ lực hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.


Trong lĩnh vực dệt may, Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ cũng là doanh nghiệp điển hình với chiến lược sản xuất sợi tái chế từ chai nhựa PET. Sợi Thế Kỷ đã và đang tập trung phát triển các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường như sợi tái chế và sợi màu. Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng về chất lượng mà còn góp phần vào bảo vệ hành tinh, nhờ đó đã được nhiều thương hiệu quốc tế lựa chọn, khẳng định uy tín và năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giải pháp

thúc đẩy tiêu dùng xanh

Mặc dù tiêu dùng xanh đã và đang bộc lộ những ưu thế rõ rệt. Tuy vậy, vẫn còn không ít rào cản cần tháo gỡ như: thiếu cơ chế khuyến khích tài chính cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh; nhận thức chưa đồng đều giữa các nhóm người tiêu dùng; tình trạng “greenwashing” (gắn mác xanh sai sự thật) chưa được kiểm soát triệt để. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về minh bạch thông tin, tăng cường giám sát thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận công nghệ, tiêu chuẩn và vốn đầu tư xanh.


Để thúc đẩy tiêu dùng xanh trở thành động lực cho phát triển bền vững, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, vai trò của Nhà nước là rất quan trọng trong việc ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng.


Các chính sách về thuế, tín dụng xanh, ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường cần được cụ thể hóa và triển khai hiệu quả. Việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, nhãn sinh thái rõ ràng, minh bạch cũng sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện sản phẩm xanh, từ đó định hướng hành vi tiêu dùng đúng đắn.



Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Các chiến dịch như “Nói không với rác thải nhựa”, “Sử dụng sản phẩm có nhãn sinh thái”, “Sản xuất và tiêu dùng bền vững” cần được nhân rộng và duy trì thường xuyên để hình thành ý thức và hành vi tiêu dùng bền vững trong cộng đồng.


Trong chuỗi mắt xích của tiêu dùng bền vững, người tiêu dùng không chỉ là người lựa chọn sản phẩm, mà còn là động lực then chốt để thúc đẩy doanh nghiệp và thị trường thay đổi theo hướng xanh - trách nhiệm - nhân văn. Khi mỗi cá nhân nhận thức rõ vai trò của mình và hành động có ý thức, sức mạnh cộng hưởng từ cộng đồng sẽ tạo ra những chuyển biến lớn cho nền kinh tế tiêu dùng. 

Người tiêu dùng bền vững nên ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường như bao bì dễ tái chế, nguyên liệu tự nhiên, ít hóa chất độc hại hoặc có nhãn sinh thái rõ ràng như Nhãn Xanh Việt Nam hay Nhãn năng lượng. Đồng thời, cần hạn chế mua sắm không cần thiết, tái sử dụng và tái chế đồ dùng thay vì thải bỏ, cũng như ủng hộ các doanh nghiệp minh bạch, phát triển bền vững. Việc tiết kiệm điện, nước và tài nguyên trong sinh hoạt hằng ngày cũng là cách đơn giản nhưng thiết thực để mỗi người góp phần bảo vệ môi trường và giảm chi phí lâu dài.


Ngoài ra, để người tiêu dùng thực sự trở thành trung tâm của hành trình bền vững, cần có thêm các chiến dịch truyền thông quy mô lớn phổ biến kiến thức về nhãn sinh thái, nhãn năng lượng, cách phân biệt sản phẩm xanh thật và xanh giả.  Đồng thời, các chính sách cần hướng đến việc hạ giá thành sản phẩm bền vững, hỗ trợ phân phối đến các khu vực ngoài đô thị, đảm bảo tiếp cận công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, cần khuyến khích người tiêu dùng chủ động lên tiếng tẩy chay sản phẩm không an toàn, không minh bạch; ủng hộ các thương hiệu có trách nhiệm xã hội và môi trường. Mỗi lựa chọn đúng sẽ là một lá phiếu cho tương lai bền vững của chính chúng ta và thế hệ mai sau.

Top

Có thể bạn quan tâm: