Trước áp lực lớn trong chuyển đổi xanh để đáp ứng yêu cầu của EU về đánh thuế carbon từ năm 2026, thời gian qua, doanh nghiệp ngành thép đã áp dụng công nghệ để tối ưu hóa sản xuất, giảm phát thải…
Chuyển đổi sản xuất thép từ "thép xám" sang "thép xanh"
Cả nước có trên 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất gang thép, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho xã hội. Đặc thù của ngành là sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch (than) nên lượng phát thải khí CO2 ra môi trường rất lớn. Đặc biệt, quá trình sản xuất gang thép đã tạo ra một lượng lớn các chất thải gây ô nhiễm môi trường với lượng bụi lên tới hàng triệu tấn/năm. Việc phát thải lớn lượng khí nhà kính như CO2, NO2... cũng đã và đang tác động xấu, gây ra biến đổi khí hậu.
Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL): Tại Việt Nam, từ năm 2015, ngành công nghiệp thép đã phát triển và trở thành một trong những quốc gia sản xuất hàng đầu trong khu vực ASEAN về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép thành phẩm và xếp thứ 12 trên thế giới về sản xuất thép thô vào năm 2023, với sản lượng đạt 20 triệu tấn.
Tuy nhiên, sản xuất thép vẫn là một ngành có phát thải khí nhà kính lớn và tác động tới môi trường. Theo tính toán, ngành thép chịu trách nhiệm cho 7% tổng lượng phát thải quốc gia và khoảng 46% các quá trình công nghiệp.
Ông Nghiêm Xuân Đa khẳng định: Việc chuyển đổi sản xuất thép từ "thép xám" sang "thép xanh" là xu thế không thể dừng lại và không nằm ngoài chủ trương phát triển ngành công nghiệp Việt Nam.
Khảo sát của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) tại một số công ty sản xuất thép cho thấy, việc sử dụng than luyện cốc chính là nguồn phát thải lớn nhất trong các nhà máy sử dụng công nghệ BOF (Lò cao/ Lò oxy cơ bản). Phần lớn phát thải và tiêu thụ năng lượng do các nhà máy sử dụng công nghệ lò thổi ôxy BOF chiếm 77% tổng phát thải trong năm 2018 và có thể tăng lên 92% năm 2025.
Ông Mã Khai Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (Enerteam) cho biết: Tỷ lệ phát thải khí nhà kính trung bình của Việt Nam đang cao hơn mức trung bình của thế giới từ 23 - 30%. Cụ thể, mức phát thải trung bình trong ngành thép của Việt Nam hiện đang ở mức 2,51 tấn CO2/tấn thép thô trong khi mức trung bình của thế giới là 1,85 tấn CO2/tấn thép thô.
Lượng phát thải khí nhà kính trong ngành thép tăng trung bình 9% giai đoạn 2016 - 2030 từ 178 triệu tấn CO2 năm 2015 lên 646 triệu tấn năm 2030, dự kiến 1.388 triệu tấn vào năm 2050. Do vậy, các doanh nghiệp cần thiết phải thực hiện các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính
Doanh nghiệp chuyển hướng phát triển xanh
Trong xu hướng xanh hóa toàn cầu hiện nay, các nỗ lực cam kết đạt được phát thải ròng bằng không (NetZero) của các quốc gia và sự hợp tác quốc tế đang tạo ra sức ép chuyển đổi lớn trong các doanh nghiệp sản xuất thép. Đơn cử, Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo áp dụng chính sách Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), đánh thuế carbon đối với các nhà sản xuất xuất khẩu đến thị trường này. Chính sách sẽ được chính thức áp dụng từ tháng 1/2026.
Các doanh nghiệp xuất khẩu thép sang EU là đối tượng chịu tác động và điều chỉnh trực tiếp của cơ chế CBAM. Do vậy, nhiều doanh nghiệp ngành thép đã thực hiện giảm phát thải trong từng công đoạn sản xuất để thích ứng thị trường.
Điển hình là Công ty Cổ Phần Thép Việt Ý (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) luôn đề cao ý thức sản xuất xanh hơn, sạch hơn và tiết kiệm năng lượng nhằm giảm chi phí sản xuất, cải thiện hiệu suất và tạo ra tác động tích cực đến môi trường.
Trong quá trình sản xuất Thép Việt Ý sử dụng 03 nguồn năng lượng chính là: than đá, điện, khí nén. Trong những năm qua, nhà máy đã thường xuyên cải tiến lò sinh khí theo định kỳ bảo dưỡng để hạn chế mức tối đa nhiên liệu sử dụng than đá đầu vào.
Ông Phạm Thế Hiệu - Phó Tổng trưởng ca phòng Cán, phụ trách khu vực lò nung và xử lý khói thải Công ty Cổ Phần Thép Việt Ý cho biết: Đặc thù của Công ty là dùng phôi sau đó dùng nhiên liệu đốt lò để sản xuất ra thép xây dựng, quá trình này phát sinh khói thải ra môi trường. Sau thời gian theo dõi và quan trắc nhận thấy lượng khí SO2 và nồng độ bụi NOx vượt ngưỡng quy định cho phép. Do đó, năm 2022 Công ty đã đầu tư trạm để xử lý khói thải lò nung.
Ngoài ra, toàn bộ lượng nước trong quá trình xử lý khói thải đều được nhà máy tuần hoàn theo hình thức lượng nước thải sẽ được đưa về bể và lắng đọng thành dạng bùn, sau đó được bơm lên máy lọc để tách tạp chất. Lượng nước sau xử lý được nhà máy tuần hoàn tái sử dụng lại cho quá trình xử lý khói thải.
Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép, giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của ngành thép Việt Nam.
Chiến lược phát triển bền vững tới năm 2050 của VNSTEEL chia thành các giai đoạn ngắn, trung và dài hạn. Với mục tiêu giảm 5-10% phát thải carbon ra môi trường đến năm 2025, VNSTEEL nâng cao hiệu suất hoạt động, giảm tiêu hao tại các cơ sở sản xuất thông qua nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào, giảm tiêu hao coke về mức bình quân chung.
Tổng công ty cũng linh hoạt trong sản xuất để thu hồi, sử dụng năng lượng hiệu quả trong cán thép, luyện gang thép và sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh thay thế phát thải thấp vào quá trình luyện, cán thép. Ở giai đoạn ngắn hạn này, doanh nghiệp nâng cấp hệ thống xử lý khí thải kết hợp công nghệ thu hồi, tái sử dụng năng lượng đồng thời hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn tại các nhà máy để nâng cao hiệu quả của các hệ thống xử lý chất thải công nghệ.
Hay Công ty Cổ phần Thép Toàn Thắng (Khu công nghiệp Sông Công I, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) chuyên sản xuất xỉ giàu mangan và phôi thép hợp kim với công suất 295.000 tấn sản phẩm/năm. Trong quá trình sản xuất, Thép Toàn Thắng phải sử dụng một lượng lớn điện, than cốc, khí... Do đó, công ty đã nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp cải tiến về khoa học công nghệ, thiết bị để hướng tới sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng.
Anh Ngô Sỹ Nhã - Phó Giám đốc phụ trách công nghệ nhà máy luyện thép, Công ty Cổ phần Thép Toàn Thắng cho biết: Để tiết kiệm năng lượng, Công ty đã tận dụng nhiệt hóa học của dây chuyền sản xuất phôi thép để luyện thép. Hay chuyển công nghệ luyện thép từ lò điện sang lò thổi oxy đã giúp nhà máy giảm lượng điện tiêu thụ từ 600 kWh/tấn sản phẩm xuống còn 20 kWh tấn/sản phẩm, tương đương giảm trên 90%.
Bên cạnh đó, Thép Toàn Thắng đặc biệt quan tâm nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo chất lượng và yêu cầu công nghệ để chỉ số phát thải ra môi trường được thấp nhất. Đồng thời, Công ty cũng lắp thiết bị quan trắc tự động, chủ động kiểm soát được các chỉ số phát thải trong quá trình sản xuất để khắc phục kịp thời, triệt để, đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp.
Đối với nguồn nước thải, Công ty đã đã tuần hoàn lại 100% để làm nguội phôi thép. Nguồn chất thải rắn là xỉ thải bông được dùng để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất xi măng, còn xỉ thải thô được dùng để cung cấp cho phụ liệu cho nhà máy sản xuất bê tông và gạch không nung.
Chuyển đổi xanh tạo áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp thép, song đây cũng là cơ hội trong bối cảnh cả thế giới đề cao yêu cầu về sản xuất xanh hơn. Dù khó, nhưng ngành thép phải chuyển đổi để hướng tới kinh tế tuần hoàn, bền vững, nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.