[In trang]
Kiên Giang: Ban hành chương trình Khuyến công đến năm 2020
Thứ ba, 02/02/2016
UBND tỉnh Kiên Giang đã quyết định số 2741/QĐ-UBND, ngày 10 tháng 11 về việc ban hành Chương trình khuyến công Kiên Giang đến năm 2020. Chương trình nhằm mục tiêu huy động các nguồn lực đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), phát triển ngành một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

UBND tỉnh Kiên Giang đã quyết định số 2741/QĐ-UBND, ngày 10 tháng 11 về việc ban hành Chương trình khuyến công Kiên Giang đến năm 2020. Chương trình nhằm mục tiêu huy động các nguồn lực đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), phát triển ngành một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Cụ thể, đến năm 2020 Kiên Giang phấn đấu tổ chức truyền nghề cho 360 lao động theo yêu cầu của các cơ sở ngành thủ công mỹ nghệ; tổ chức 5 lớp tập huấn khởi sự và nâng cao nâng lực quản lý doanh nghiệp; hỗ trợ thành lập từ 6 doanh nghiệp sản xuất CNNT, tổ chức 3 chuyến tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất; xây dựng 1 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ 25 cơ sở chuyển giao và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.

Hỗ trợ tư vấn phát triển doanh nghiệp cho trên 05 cơ sở CNNT. Thực hiện trên 15 hình thức tuyên truyền chính sách khuyến công trên Báo, Đài Phát thanh truyền hình, website và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Đồng thời in ấn phát hành trên 8.000 tờ rơi, tờ gấp phục vụ công tác thông tin tuyên truyền. Tổ chức trên 05 cuộc hội thảo, tập huấn phổ biến kiến thức cho các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất; hỗ trợ đánh giá nhanh sản xuất sạch hơn cho từ 05 cơ sở sản xuất công nghiệp. Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho 02 cụm công nghiệp; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 01 cụm công nghiệp; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho khoảng 03 cơ sở.

Đối tượng được thụ hưởng Chương trình khuyến công Kiên Giang đến năm 2020, gồm: Tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất CN-TTCN trên địa bàn tỉnh, như: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia công tác quản lý, thực hiện các hoạt động dịch vụ khuyến công.

Dự toán tổng nguồn kinh phí thực hiện chương trình cả giai đoạn 2016 - 2020 là 91.407 triệu đồng, bao gồm: nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ là 17.387 triệu đồng, trong đó: nguồn kinh phí khuyến công quốc gia là 7.300 triệu đồng chiếm 8%, nguồn kinh phí khuyến công địa phương là 10.087 triệu đồng chiếm 11% và nguồn kinh phí từ các thành phần kinh tế tham gia là 74.020 triệu đồng chiếm 81%.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình đã đề ra, Kiên Giang sẽ bảo đảm bố trí kinh phí đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu hoạt động khuyến công, lồng ghép nguồn vốn khuyến công với các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ…Ưu tiên phân bổ kinh phí các đề án thuộc một số chương trình như: chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp; chương trình hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng; chương trình nông thôn mới...để hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn và một số các chương trình khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của các cá nhân, tổ chức của toàn xã hội đầu tư phát triển CNNT.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách của Nhà nước về chính sách khuyến công đến các đối tượng áp dụng tham gia; thực hiện việc trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm nhằm trao đổi chuyên môn, triển khai các đề án khuyến công nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động khuyến công của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng hoàn thiện cơ chế chính sách có liên quan tạo hành lang pháp lý triển khai thuận lợi hoạt động khuyến công phù hợp với mục tiêu của Chương trình. Nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác khuyến công; Xây dựng mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện, nhằm bảo đảm hệ thống bộ máy hoạt động khuyến công từ cấp tỉnh đến các địa phương đủ năng lực thực hiện các đề án, chương trình có hiệu quả. Củng cố và tăng cường năng lực quản lý nhà nước về CN - TTCN đối với Phòng Kinh tế, Phòng Công thương cấp huyện. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động khuyến công hàng năm, từng giai đoạn để rút kinh nghiệm.