[In trang]
Bình Thuận với Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp
Thứ năm, 28/08/2014
Các dự án sản xuất công nghiệp (SXCN) đóng vai trò quan trọng trong Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh, là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.

Các dự án sản xuất công nghiệp (SXCN) đóng vai trò quan trọng trong Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh, là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.

Toàn tỉnh ta có hơn 1.700 DN, trong đó khoảng 160 cơ sở SXCN với quy mô nhỏ, công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu; không đồng bộ, suất tiêu hao nguyên- nhiên- vật liệu trên đơn vị sản phẩm còn cao, nhiều DN chưa quan tâm đến xử lý chất thải, nếu có thì hầu hết là theo phương pháp xử lý cuối đường ống, chưa đạt hiệu quả cao, gây ô nhiễm và lãng phí tài nguyên rất lớn.

Nhưng hiện nay, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (SXSHCN) vẫn còn là khái niệm “mới mẻ” đối với nhiều DN SXCN trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ DN được phổ biến về SXSHCN và nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSHCN còn thấp; chưa có DN thực sự áp dụng các kỹ thuật SXSH. Xét về khía cạnh tiếp cận hệ thống, có thể tạm chia DN trong tỉnh làm 2 nhóm: nhóm DN đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (như ISO 9001, ISO 14000 hoặc SA 8000, HACCP….), với nhóm này, các DN đa phần có năng lực quản lý tốt, có ý thức tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường; việc áp dụng các hệ thống quản lý nói trên được phổ biến như một chuẩn mực chung. Đặc biệt, vì thường là một phần trong chuỗi cung ứng của các thương hiệu lớn nên các DN nhóm này chịu áp lực rất lớn về mặt cạnh tranh. Họ luôn phải cải tiến để đáp ứng yêu cầu các bên liên quan, trong đó có việc áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, giảm giá thành sản phẩm, ứng phó kịp thời với các biến động từ bên ngoài thông qua kiểm soát có hệ thống các quá trình sản xuất. Trên thực tế, đây chính là những biện pháp áp dụng SXSH, mặc dù có thể nhiều DN không biết rằng họ đang làm điều đó. Có thể kể các DN thuộc nhóm này như : công ty CP Xuất khẩu Nông sản áp dụng ISO 9001 và HACCP; Công ty TNHH Phú Thuỷ áp dụng ISO 22000; Chi nhánh Công ty TNHH Thông Thuận tại Ninh Thuận áp dụng HACCP; Công ty May Tiến Thuận áp dụng SA 9000 và công cụ quản lý sản xuất tinh gọn Lean; Công ty Mía đường Phan Rang áp dụng ISO 9001…Nhóm các DN còn lại đa phần năng lực quản lý còn khá hạn chế, đặc biệt là chưa áp dụng hệ thống quản lý; nếu có áp dụng cũng chỉ mang tính hình thức, đối phó. Đặc biệt, thị trường của nhóm đối tượng này đa phần giới hạn trong nước, nơi mà tính minh bạch chưa cao, do đó sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các DN chưa thực sự là yếu tố quyết định đến sự tồn tại của DN.


Do vậy, thời gian qua việc triển khai Chương trình SXSHCN trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, do thiếu sự quan tâm và cam kết của các cơ sở; các DN thiếu vốn đầu tư để đổi mới thiết bị công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường, thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn, hướng dẫn áp dụng các kỹ thuật SXSHCN cho các DN của tỉnh. Đặc biệt, chúng ta còn thiếu hệ thống quy định có tính chất pháp lý để ràng buộc việc áp dụng SXSH.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2015, toàn tỉnh có 25% cơ sở SXCN vừa và nhỏ được phổ biến và áp dụng SXSH trong sản xuất, các cơ sở SXCN áp dụng SXSH tiết kiệm 5-8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên nhiên vật liệu/đơn vị sản phẩm, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương làm đầu mối triển khai thực hiện các hoạt động về SXSH nhằm cụ thể hóa Chiến lược SXSHCN đã được Thủ tướng phê duyệt.

Thứ nhất, để thúc đẩy việc áp dụng SXSH trong tỉnh, ngành Công Thương cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong các DN SXCN, để họ hiểu rõ hơn về lợi ích của việc áp dụng SXSH. Đây là một trong 5 nhiệm vụ giải pháp trong Kế hoạch hành động SXSH đến năm 2015 của tỉnh đề ra. Quan trọng nhất, phải giúp cho DN hiểu rằng với quan niệm cần phải có tiền hoặc điều kiện thích hợp thì mới có thể áp dụng được công cụ SXSH vào các quá trình sản xuất là hoàn toàn sai lầm, bởi SXSH trên thực tế là những biện pháp rất gần gũi, thiết thực với DN chứ không hề xa vời và thực tế đã chứng minh không nhất thiết phải có tiền mới có thể áp dụng SXSH. Nếu có DN quyết tâm áp dụng các hoạt động SXSH trên thực tế tại đơn vị mình liên quan đến phần cứng (thay đổi công nghệ), thì đề án sẽ được hỗ trợ bởi kinh phi khuyến công theo Nghị định 45/2012/NĐ-CP và nhiều nguồn kinh phí khác…


Thứ hai, tăng cường cung cấp thông tin, hướng dẫn cho các DN đăng ký nhiệm vụ, đề án về SXSH hàng năm để tranh thủ các nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí sự nghiệp môi trường, KHCN, khuyến công… để thực hiện Chiến lược SXSH và Kế hoạch hành động SXSH.

Thứ ba, tiến hành các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng SXSH tại các cơ sở sản xuất công nghiệp. Các nội dung hoạt động hỗ trợ gồm: Hỗ trợ tư vấn, đánh giá SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp được chọn thí điểm; hỗ trợ các DN SXCN điển hình xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng SXSH; hỗ trợ đào tạo....


Trên cơ sở Kế hoạch hành động SXSHCN tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015, các sở, ngành cũng phải vào cuộc, chung tay với ngành Công Thương từng bước xây dựng và phát triển mạng lưới tổ chức, chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ SXSHCN và tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính để thúc đẩy áp dụng SXSHCN, giúp các DN SXCN của tỉnh từng bước áp dụng SXSH trong tất cả các công đoạn sản xuất.