Sản xuất sạch hơn không chỉ là công cụ để doanh nghiệp thoát khỏi ô nhiễm môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.
Sản xuất sạch hơn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp
Sản xuất sạch hơn (SXSH) đã được phổ biến tại Việt Nam từ những năm 90 của thập kỷ trước bằng sự thành lập của Trung tâm Sản xuất Sạch Việt Nam và nỗ lực của nhiều nhà tài trợ như: Thuỵ Điển, Canada, Đan Mạch, v.v... Tuy nhiên mặc dù đã được trình diễn tại hàng trăm cơ sở sản xuất và lợi ích của nó đã được chứng minh trên thực tế, được truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mức độ lan toả của SXSH đã không được như mong muốn. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn xa lạ, chưa hiểu và chưa áp dụng công cụ này.
Giảm chi phí, bảo vệ môi trường
Sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục các chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.
Các giải pháp sản xuất sạch hơn có thể được chia thành các nhóm sau: Giảm chất thải tại nguồn; thay thế các nguyên liệu thân thiện môi trường; cải tiến thiết bị và công nghệ mới; tuần hoàn các loại dòng thải; tận thu và tái sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất; tạo ra các sản phẩm mới từ các dòng thải; cải thiện và đổi mới sản phẩm để làm giảm ô nhiễm.
“SXSH không chỉ là công cụ để doanh nghiệp thoát khỏi ô nhiễm môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Cụ thể giảm chi phí của môi trường, giảm rác thải, tăng thu nhập cho doanh nghiệp từ việc tái sử dụng rác thải,…” - ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ tại hội thảo “Sản xuất sạch hơn và những lợi ích mang lại cho doanh nghiệp” ngày 17/4 ở Hà Nội.
Theo các chuyên gia, SXSH giúp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, cung cấp các cơ hội giảm chi phí nhờ giảm tổn thất, tăng cường tuần hoàn và tái sử dụng, góp phần cải thiện môi trường làm việc, giảm tải lượng dòng thải và đáp ứng bảo vệ môi trường; mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn&Môi trường Công nghiệp - Bộ Công Thương, đánh giá SXSH giúp nâng cao hiệu quả tài nguyên, năng lượng; cung cấp các cơ hội giảm chi phí nhờ giảm tổn thất, tăng cường tuần hoàn và tái sử dụng. Đồng thời, góp phần cải thiện môi trường làm việc; góp phần giảm tải lượng dòng thải và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
SXSH có thể áp dụng cho mọi quy mô doanh nghiệp không đòi hỏi phải đầu tư nhiều tiền. Bên cạnh đó, sản xuất sạch cũng không khó thực hiện chỉ cần doanh nghiệp cam kết quyết tâm và sự tham gia của mọi cấp, mọi bộ phận và mọi người trong doanh nghiệp; gắn hoạt động SXSH với công tác điều hành tác nghiệp trong doanh nghiệp.
Ngoài lợi ích trực tiếp tiết kiệm được trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp áp dụng SXSH có cơ hội tiếp cận nguồn ưu đãi tài chính, các khoản vay từ các cơ quan tài chính, Chính phủ ngày càng ưu tiên cho các dự án phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Không những vậy, khi một doanh nghiệp không ngừng nỗ lực áp dụng các biện pháp SXSH, từ đó có thể mở ra nhiều cơ hội thị trường mới và sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn và có thể bán ra với giá cao hơn.
Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà với SXSH?
Các chuyên gia khẳng định SXSH có ý nghĩa đối với tất cả các cơ sở công nghiệp, lớn hay bé, tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng, nước nhiều hay ít. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đều có tiềm năng giảm lượng nguyên nhiên liệu tiêu thụ từ 10-15%!
Có thể khẳng định rằng nếu áp dụng SXSH, doanh nghiệp sẽ giảm thiểu các tổn thất nguyên vật liệu và sản phẩm, do đó có thể đạt sản lượng cao hơn, chất lượng ổn định, tổng thu nhập kinh tế cũng như tính cạnh tranh cao hơn.
Rõ ràng SXSH mang lại nhiều lợi ích cho xã hội cũng như các doanh nghiệp như giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất, tận dụng được tối đa chất thải, v.v…, nhưng tại sao SXSH vẫn chưa thực sự hấp dẫn các doanh nghiệp Việt Nam tự nguyện tham gia vào quy trình này.
“Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay chưa thực sự mặn mà với sản xuất sạch hơn” - ông Trần An, chuyên gia tư vấn sản xuất sạch hơn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn EPRO, thừa nhận, “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do môi trường kinh doanh trong nước chưa thực sự bình đẳng.”
“Các doanh nghiệp vẫn có thể “lách” được thuế của các khoản xả thải, khai thác được tài nguyên sẵn có như nước ngầm, nước mặt dẫn đến các chi phí cho hoạt động sản xuất rất rẻ, vì vậy họ chưa phải nghĩ đến các biện pháp hiệu quả hơn để tiết kiệm chi phí” - ông An lý giải.
Về phía các doanh nghiệp nên nhìn nhận việc sản xuất sạch hơn là một việc làm cần thiết, vì lợi ích phát triển của chính doanh nghiệp mình và thực sự đầu tư cho sản xuất sạch hơn, đặc biệt là đầu tư về nhận thức và tầm nhìn cũng như các chi phí tài chính.
SXSH phản ánh và cải thiện hình ảnh chung về doanh nghiệp của bạn. Không cần phải nhắc lại, một công ty với hình ảnh "xanh" sẽ được cả xã hội và các cơ quan hữu quan chấp nhận dễ dàng hơn.
Chiến lược quốc gia
SXSH đang là một xu hướng tại nhiều nước phát triển và đang phát triển hiện nay. Đối với Việt Nam đây là một định hướng xuyên suốt trong Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020.
Mục tiêu cụ thể mà chiến lược này đặt ra là đến năm 2015 có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp; 25% cơ sở sản xuất công nghiệp sẽ áp dụng SXSH và những cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH sẽ tiết kiệm được từ 5 đến 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, 70% các sở công thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng SXSH trong công nghiệp.
Giai đoạn 2016-2020, mục tiêu của chiến lược là đưa 90% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp. Đồng thời, 50% cơ sở sản xuất công nghiệp sẽ áp dụng SXSH và những cơ sở áp dụng SXSH sẽ tiết kiệm được từ 8 đến 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu/đơn vị sản phẩm.
Ngoài ra, 90% doanh nghiệp vừa và lớn sẽ có bộ phận chuyên trách về SXSH. Đồng thời, 90% các sở công thương sẽ có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả khảo sát mới đây cho thấy mục tiêu trên sẽ khó thực hiện được do mức độ nhận thức về SXSH tại các cơ sở công nghiệp trên toàn quốc vẫn rất thấp và hầu như không đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa áp dụng quá trình SXSH vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.
Đối với quá trình sản xuất: Sản xuất sạch hơn bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại và giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải.
Đối với sản phẩm: Sản xuất sạch hơn bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ.
Đối với dịch vụ: Sản xuất sạch hơn đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ.
Mạnh Cường