Sản xuất sạch hơn sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm bắt được hết các quy trình sản xuất sạch hơn, để từ đó áp dụng vào thực tiễn sản xuất
Tiềm năng tiết kiệm nhiên liệu lớn
Tại Hội thảo “Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn - RECP” do Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững vừa tổ chức ở Hà Nội mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sản xuất sạch hơn bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại, giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải. Đối với sản phẩm, sản xuất sạch hơn là giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt vòng đời của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ. Còn đối với dịch vụ, sản xuất sạch hơn đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ. Khi doanh nghiệp (DN) đã có nhận thức về sản xuất sạch hơn, DN đó có thể mở ra nhiều cơ hội tại thị trường mới, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao hơn, đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc sản phẩm khi xuất khẩu.
Theo tính toán, đến năm 2030, năng lượng tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng 44% so với năm 2006, 90% nguồn tài nguyên trở thành chất thải ngay sau khi được khai thác. Nghiên cứu của các nhà khoa học khiến không ít người phải giật mình: 1 tuýp kem đánh răng tạo ra 1,5kg chất thải, 1 chiếc điện thoại di động tạo ra 75 kg chất thải. Tuy nhiên, tiến sỹ Trần Văn Nhân- Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam - cho biết, tiềm năng tiết kiệm nhiên liệu trong công nghiệp và dịch vụ là rất lớn. Cụ thể với các ngành sản xuất như bia là 30%, bột giấy và giấy 25%, dệt 39%, cao su 22%, hóa chất 30%, hoàn tất kim khí 25%... Với các ngành dịch vụ, tiềm năng tiết kiệm nhiên liệu còn lớn hơn nhiều, với khách sạn là 41%, nhà hàng 30% và bệnh viện là 37%.
Dân số tăng nhanh với sức ép về phát triển kinh tế, sự cạn kiệt tài nguyên, suy thoái các hệ sinh thái và mất đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường- biến đổi khí hậu, tất cả các yếu tố đó đặt ra yêu cầu đối với DN cần sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.
Áp dụng còn hạn chế
Ông Nguyễn Quang Vinh- Tổng Thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững- cho biết, sản xuất xanh và sạch là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Tuy vậy vẫn còn nhiều DN cho rằng, bản thân họ vẫn chưa thực sự nắm bắt được hết các quy trình sản xuất sạch hơn, để từ đó áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Dù mang lại nhiều lợi ích, song các nhà kinh tế cũng cho rằng, tại Việt Nam hiện nay, các DN nhỏ và vừa khó có thể áp dụng một cách thành công mô hình sản xuất này. Nguyên nhân chính là do khó khăn về vốn đầu tư công nghệ, bản thân DN cũng chưa nắm rõ được hết quy trình để sản xuất sạch hơn... Bên cạnh đó, không ít DN cho rằng, để sản xuất xanh – sạch, ngay từ đầu phải đầu tư nhiều hơn so với DN sản xuất thông thường khác nhưng chính sách ưu đãi hỗ trợ cũng không nhiều.
Từ thực tế này, DN cho rằng, cần có những giải pháp mang tính toàn diện từ đầu vào, quá trình sản xuất, đến đầu ra của sản phẩm. Hiện Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã ban hành nhiều chương trình hành động nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên, như: Xây dựng các quy định mang tính pháp lý, thiết lập các công cụ kinh tế, đưa ra các biện pháp hỗ trợ, triển khai hướng dẫn xây dựng dự án sản xuất sạch hơn cho DN... Đây là những lợi thế để DN tiến tới sử dụng nhiều hơn mô hình sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thúy Ngọc