[In trang]
Khuyến công tiếp sức cho ý tưởng mới
Thứ năm, 30/07/2015
Cùng với sự góp sức từ nguồn vốn khuyến công, cơ sở đúc đồng mỹ nghệ Nguyễn Thượng Sách (Tứ Kỳ, Hải Dương) đã nghiên cứu, cải tiến công nghệ đúc đồng mới, không sử dụng hoá chất, không xả thải khí độc ra môi trường… đem lại hy vọng về công nghệ đúc đồng “xanh” cho các làng nghề.

Cùng với sự góp sức từ nguồn vốn khuyến công, cơ sở đúc đồng mỹ nghệ Nguyễn Thượng Sách (Tứ Kỳ, Hải Dương) đã nghiên cứu, cải tiến công nghệ đúc đồng mới, không sử dụng hoá chất, không xả thải khí độc ra môi trường… đem lại hy vọng về công nghệ đúc đồng “xanh” cho các làng nghề.

Ông Nguyễn Thượng Sách, chủ cơ sở sản xuất cho biết: Cơ sở hiện dùng công nghệ đúc đồng trong môi trường chân không, được chính bản thân ông nghiên cứu, phát triển từ năm 2007 cho tới nay. Tổng vốn đầu tư cho dây chuyền công nghệ sản xuất này khoảng 7-8 tỷ đồng.

Công nghệ đúc chân không có nhiều ưu điểm, có thể tạo ra được sản phẩm có độ chính xác cao, chất lượng sản phẩm tốt. Đặc biệt, khả năng sao chép của sản phẩm có thể cho độ chính xác đạt 99%. Cùng với đúc chân không, công nghệ sử dụng trong các công đoạn khác của dây chuyền sản xuất cũng được cải tiến khá hiện đại. Với khuôn đúc, cơ sở không sử dụng khuôn cứng như các làng nghề hiện nay mà dùng khuôn mềm silicone. Theo ông Sách, loại khuôn này có độ bền kéo tốt, độ bền xé cao, chịu nhiệt độ cao, sử dụng được nhiều lần..., quan trọng hơn, loại khuôn này phù hợp cho việc đúc những sản phẩm nhỏ, đòi hỏi độ chính xác cao.

Bên cạnh đó, cơ sở không sử dụng công nghệ nung với chất đốt than, gas truyền thống mà sử dụng 100% điện, nấu luyện kim loại theo nguyên lý hòa tan, hoàn toàn không dùng hóa chất. Đặc biệt, toàn bộ rác thải trong quá trình sản xuất được tái sinh và được dùng làm chất phối trộn đóng gạch không nung, nước thải được xử lý và quay vòng sử dụng.

“Tôi mong muốn sẽ chuyển giao công nghệ đúc chân không cho các làng nghề hoặc một vùng nghề để tránh tình trạng sở hữu cá nhân, đồng thời giúp các làng nghề giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường hiện nay”, ông Sách nói.

Thực tế, nếu đưa công nghệ đúc chân không về các làng nghề, lợi ích môi trường sẽ rất lớn bởi tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề đúc đồng khá nặng nề. Đơn cử như làng nghề đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh) do máy móc, thiết bị sử dụng quá cũ, mua thanh lý ở các xí nghiệp hoặc sản phẩm tự chế nên công nghệ lạc hậu, chắp vá, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. Tình trạng cô đúc đồng nhôm được làm thủ công, xả khí thải, chất thải rắn trực tiếp ra môi trường không qua xử lý. Tương tự, tại làng nghề đúc đồng Lộng Thượng (Hưng Yên), các hộ sản xuất phần lớn sử dụng than làm chất đốt, khuôn làm từ bùn và tro trấu sử dụng một lần… khiến làng nghề luôn chìm trong bụi và khói than.

Có thể nói, công nghệ đúc chân không là hy vọng “xanh” cho các làng nghề đúc đồng. Tuy nhiên, theo ông Sách, để sở hữu được công nghệ này không đơn giản vì nguồn vốn đầu tư rất lớn. Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng công nghệ, cơ sở đã nhận được rất nhiều hỗ trợ, trong đó có nguồn vốn khuyến công quốc gia cho phát triển hệ thống lò hơi chạy điện. Ngoài ra, chất lượng lao động tại các làng nghề còn thấp, khó có thể vận hành ngay được dây chuyền đúc chân không. Do đó, để công nghệ này có thể “sinh sôi” tại các làng nghề cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng./.

Sản phẩm trống đồng F12 của cơ sở đúc đồng mỹ nghệ Nguyễn Thượng Sách đã được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2014 và dự kiến được đưa vào kế hoạch tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia vào tháng 10/2015.