[In trang]
Bình Phước: Tiến tới sản xuất sạch hơn trong công nghiệp chế biến gỗ
Thứ ba, 12/04/2016
Đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường và tình hình áp dụng sản xuất sạch hơn tại doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, đánh giá các dòng thải, xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường và xác định cơ hội áp dụng sản xuất sạch hơn; xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp chế biến gỗ. Đó là mục tiêu của Đề án “Chiến lược bảo vệ môi trường và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn năm 2030” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 220/QĐ-UBND. Đây chính là cơ hội mở để ngành công nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh “phất lên”.

Đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường và tình hình áp dụng sản xuất sạch hơn tại doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, đánh giá các dòng thải, xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường và xác định cơ hội áp dụng sản xuất sạch hơn; xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp chế biến gỗ. Đó là mục tiêu của Đề án “Chiến lược bảo vệ môi trường và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn năm 2030” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 220/QĐ-UBND. Đây chính là cơ hội mở để ngành công nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh “phất lên”.

100% DN NHỎ VÀ SIÊU NHỎ HIỆU QUẢ HƠN NHỜ SẢN XUẤT SẠCH

Kế hoạch cụ thể của đề án, từ năm 2015-2017 sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn nhận thức về sản xuất sạch hơn và chương trình tham quan cho 100% DN lớn và vừa; đồng thời thực hiện và hỗ trợ sản xuất sạch hơn cho một vài DN ngành gỗ dưới dạng dự án trình diễn một số giải pháp đơn giản như quản lý nội vi, kiểm soát quá trình, cải tiến thiết bị... Giai đoạn 2018-2020, hướng đến 100% DN nhỏ và siêu nhỏ được đào tạo tập huấn sản xuất sạch hơn, 90% DN lớn và vừa có bộ phận chuyên trách về sản xuất sạch hơn, 90% DN lớn và vừa áp dụng sản xuất sạch hơn và có kết quả về tiết kiệm nước, năng lượng, nguyên - nhiên liệu. Đến năm 2030, 90% DN cải tiến thiết bị và mang lại lợi ích, 100% DN nhỏ và siêu nhỏ áp dụng sản xuất sạch hơn và mang lại kết quả tiết kiệm nước, năng lượng, nguyên - nhiên liệu.

Để đạt được kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp chế biến gỗ, đề án đã nêu các giải pháp cụ thể, được chia thành nhiều nhóm: Nhóm giải pháp tại DN sản xuất phôi gỗ, ở từng công đoạn khác nhau đều đưa ra giải pháp phù hợp thực tiễn. Ví như tại công đoạn khai thác và lưu giữ nguyên liệu thì làm nền cao và không thấm nước; xây dựng hệ thống cống, mương, rãnh thoát nước; thu gom cành, nhánh cây triệt để cung cấp cho nhà máy sản xuất ván MDF và viên nén; phân loại nguyên liệu tại nguồn cung cấp và khu lưu giữ. Hay ở khâu ngâm tẩm hóa chất thì sử dụng thùng chứa hóa chất lớn thay cho các bao chứa trong mỗi lần sử dụng; bổ sung biển cảnh báo, bảng hướng dẫn tại khu vực sử dụng; thu gom, xếp gọn bao bì chứa hóa chất sau sử dụng; sắp xếp lại vật dụng tại khu vực ngâm tẩm và thải bỏ những thứ không cần thiết...

Đối với nhóm giải pháp tại DN sản xuất đồ gỗ nội thất, sản xuất gồm 5 công đoạn: gia công chi tiết; đánh bóng, chà nhám; xử lý khuyết tật bề mặt; sơn sản phẩm; các công đoạn phụ trợ khác. Trong đó, nhấn mạnh việc trang bị hệ thống máy móc, thiết bị, vật dụng đầy đủ, đúng tiêu chuẩn đồng thời đào tạo, nâng cấp tay nghề cho người lao động, đảm bảo dây chuyền sản xuất sạch hơn.

DN sản xuất ván ép và viên nén gồm 26 giải pháp chi tiết dành cho 6 công đoạn: lưu giữ nguyên liệu; băm, hấp dăm và nghiền; sấy dăm bằng điện; sấy dăm và ép nóng bằng lò hơi sử dụng củi; nén, làm mát viên nén; các công đoạn phụ trợ khác. Giải pháp được chú trọng như xây mái che, phủ bạt, che chắn bãi chứa nguyên liệu; bảo dưỡng máy móc, thiết bị định kỳ; sử dụng băng tải tự động, khép kín đưa nguyên liệu vào máy băm; đầu tư hệ thống thu gom, xử lý bụi từ công đoạn băm; lắp đặt thiết bị kiểm soát nhiệt độ của khói lò, theo dõi để đưa ra thời gian vệ sinh lò phù hợp...

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LÀ CHIẾN LƯỢC


Chiến lược bảo vệ môi trường tại DN chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh được thực hiện với những nội dung: Thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý về môi trường theo quy định (ĐTM - báo cáo tác động môi trường, cam kết, kế hoạch bảo vệ môi trường, đăng ký chủ nguồn thải...); giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí (bụi gỗ, bụi sơn, khí thải lò hơi, lò nhiệt đốt củi, tiếng ồn); giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước (tác động tới nước ngầm, nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, nước mưa chảy tràn); giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải rắn (chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại, chất thải nguy hại). Hướng đến giai đoạn 2025-2030, DN thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đều đạt 100%.

Đề án cũng đưa ra các giải pháp thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường nhằm từng bước giảm thiểu tới mức thấp nhất tác động xấu đến môi trường và “cán đích” mục tiêu đề ra. Cụ thể như chống bụi gỗ: đối với DN lớn xử lý bằng buồng lắng bụi, kết hợp cyclon (thiết bị lọc bụi) hoặc túi vải; DN nhỏ xử lý bằng túi vải; quy chuẩn sau xử lý QCVN 19:2009/BTNMT. Đối với tiếng ồn, giảm thiểu bằng cách trang bị nút bịt tai, thực hiện tốt bảo trì, bảo dưỡng, lắp đệm chống ồn cho móng máy, thay đổi công nghệ ít ồn. Đối với chất thải rắn công nghiệp không nguy hại, ưu tiên tái sử dụng tại chỗ, bán phế liệu hoặc lưu giữ đảm bảo vệ sinh khi đủ khối lượng bán phế liệu. Còn chất thải nguy hại, áp dụng quản lý chặt chẽ theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên - Môi trường về quản lý chất thải nguy hại, hợp đồng thu gom với đơn vị có chức năng...

Địa bàn Bình Phước, thị trường sản phẩm chế biến từ gỗ rất đa dạng nhưng chủ yếu là 3 loại mặt hàng chính: đồ gỗ nội thất; gỗ nguyên liệu, ván dăm; đồ gỗ xuất khẩu. Toàn tỉnh có 1.360 DN, cơ sở, hộ gia đình sản xuất - kinh doanh đồ mộc mỹ nghệ gia dụng, ngoài ra còn có nhiều nhà máy chế biến gỗ lớn đóng trên địa bàn như: Nhà máy gỗ MDF VRG Dongwha (Khu công nghiệp Minh Hưng III ở Chơn Thành), Nhà máy Kim Tín MDF (Đồng Phú), Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Nguyên Vũ (Khu công nghiệp Chơn Thành), Công ty cổ phần gỗ Đồng Phú (Khu công nghiệp Tân Thành - Đồng Xoài)... Trong khi Bình Phước có lợi thế vùng nguyên liệu dồi dào (cao su, điều, cây ăn trái, cây gỗ rừng trồng... đến kỳ thanh lý sẽ cho khối lượng gỗ lớn) hơn các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ nhưng sản phẩm gỗ làm ra chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, chủ yếu vẫn là sản xuất thô để xuất khẩu. Do vậy, việc bảo vệ môi trường và áp dụng sản xuất sạch hơn trong chế biến gỗ tại DN, cơ sở, hộ kinh doanh được thực hiện tốt, đúng quy trình sẽ mang lại giá trị kinh tế cao và đưa DN thân thiện với môi trường, bảo đảm môi trường tại khu vực  đóng chân. Không những vậy, áp dụng sản xuất sạch hơn còn góp phần từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gỗ của DN để khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Đây chính là động lực phát triển ngành chế biến gỗ ở Bình Phước trong thời kỳ kinh tế hội nhập.

Theo đề án, kế hoạch triển khai chương trình sản xuất sạch hơn tại DN chế biến gỗ gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 2015-2020, tổ chức tập huấn về sản xuất sạch hơn cho DN chế biến gỗ, giúp DN nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích thiết thực của chương trình sản xuất sạch hơn. Sở Công thương chủ trì triển khai một số dự án trình diễn cho DN thực hiện. Giai đoạn 2020-2025, triển khai sản xuất sạch hơn đến hầu hết DN đối với các giải pháp đơn giản; triển khai một số giải pháp lớn đối với một số DN lớn và vừa. Giai đoạn 2025-2030, triển khai tất cả giải pháp sản xuất sạch hơn ở tất cả DN.