[In trang]
Công ty CP Lâm Nông Sản – Thực phẩm Yên Bái: Thành công từ đổi mới
Thứ tư, 11/07/2012
Là một DN kinh doanh đa nghề như chế biến, gia công, kinh doanh lâm sản; chế biến, gia công, kinh doanh nông sản thực phẩm; kinh doanh xuất nhập khẩu phụ tùng, vật tư, thiết bị, hàng hoá tổng hợp, nhờ ứng dụng một loạt các giải pháp đổi mới công nghệ, hướng đến sản xuất sạch hơn (SXSH), Công ty CP Lâm Nông Sản – Thực phẩm Yên Bái đã thu được những lợi ích lớn về kinh tế.

Là một DN kinh doanh đa nghề như chế biến, gia công, kinh doanh lâm sản; chế biến, gia công, kinh doanh nông sản thực phẩm; kinh doanh xuất nhập khẩu phụ tùng, vật tư, thiết bị, hàng hoá tổng hợp, nhờ ứng dụng một loạt các giải pháp đổi mới công nghệ, hướng đến sản xuất sạch hơn (SXSH), Công ty CP Lâm Nông Sản – Thực phẩm Yên Bái đã thu được những lợi ích lớn về kinh tế.

Hệ thống biogas: Biến chất thải thành tiền

Một trong những ngành nghề kinh doanh chính của Công ty CP Lâm Nông sản – Thực phẩm Yên Bái là sản xuất tinh bột sắn. Ngành nghề này có một đặc trưng là chất thải nếu không xử lý, khi thải ra môi trường sẽ có mùi rất khó chịu. Tuy nhiên, thực tế chứng minh tại nhiều DN cho thấy, nếu tận dụng lượng chất thải này để phát điện bằng biogas, hiệu quả thu được sẽ rất cao.

Nhận thức được điều đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh, Công ty CP Lâm Nông Sản – Thực phẩm Yên Bái đã đầu tư xây dựng hầm biogas từ nguồn nước thải tinh bột sắn với mục tiêu tạo ra nguồn nhiên liệu khí biogas thay thế nhiên liệu từ than đá dùng để sấy tinh bột sắn, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, giải pháp này cũng kỳ vọng sẽ tạo ra sự thân thiện với môi trường, tăng hiệu quả xử lý nước thải thông qua quá trình sản xuất khí biogas từ nguồn nước thải có nồng độ ô nhiễm cao, giảm lượng khí thải CO2 từ đốt than gây nên.

Với khoản đầu tư trên 2,4 tỷ đồng, một hệ thống sản xuất biogas từ nước thải tinh bột sắn đã được đầu tư cho Nhà máy sắn Văn Yên – một nhà máy thuộc công ty. Theo đó, với nguyên lý hoạt động là nước thải từ 2 dây chuyền được đưa về hồ xử lý số 1 (hồ Cygas có phủ bạt kín), qua hệ thống cống ngầm, các chất hữu cơ trong nước thải có chỉ số ô nhiễm COD cao được tạo thành khí biogas với thành phần chính là CH4, CO2 và nước. Nước thải sau xử lý một phần được đưa sang hồ sinh thái số 1 và tiếp tục được bơm trở lại hồ Cygas để tận dụng một lần nữa lượng COD còn lại trong nước thải và bổ sung nước cho hồ Cygas. Sau đó, nước thải được đưa sang hồ sinh thái số 2 và số 3. Hai hồ này được bổ sung men Biological để tiếp tục xử lý kết hợp nuôi trồng bèo tây hoặc cây ngổ dại. Nước thải được lưu trữ một thời gian và khi lượng COD đã đạt tiêu chuẩn sẽ được thải ra môi trường. Khí biogas tạo ra được đưa đến các lò cấp nhiệt của các nhà máy. Lượng biogas này có thể thay thế khoảng 60 – 65% lượng than đá mà công ty đang sử dụng. Đặc biệt, lượng chất thải đã được giải quyết hết, giải quyết mùi khó chịu, từ đó góp phần bảo vệ môi trường xung quanh nhà máy.

Tiết kiệm lớn nhờ công nghệ đốt củi than thay dầu

Cùng với việc nỗ lực ứng dụng các giải pháp SXSH để xử lý nước thải của khâu sản xuất tinh bột sắn, Công ty CP Lâm Nông Sản – Thực phẩm Yên Bái còn thành công trong việc ứng dụng các giải pháp SXSH cho hệ thống sấy giấy. Theo đó, công ty đã đầu tư xây dựng mới hệ thống lò cấp nhiệt cho tất cả các máy sấy giấy trong công ty, áp dụng nguồn nhiên liệu là củi thay cho dầu FO và than nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất sản phẩm giấy đế của công ty. Cụ thể, trước khi ứng dụng giải pháp này, công ty vẫn sử dụng nhiên liệu than hoặc dầu FO cho công nghệ sấy. Công nghệ này có ưu điểm là hiệu quả sản xuất cao, tuy nhiên do giá than và dầu FO khá cao, lại có nhiều biến động nên ảnh hưởng khá lớn, đồng thời khiến DN không thể chủ động được giá thành sản xuất.

Với đặc trưng của công ty là nằm tại khu vực có diện tích rừng lớn, nhiều DN gỗ hoạt động nên khối lượng phế liệu từ các cơ sở sản xuất này bán ra dưới dạng củi đốt rất lớn. Do đó, lựa chọn công nghệ sử dụng củi làm nguyên liệu thay thế dầu FO và than là giải pháp được công ty tính đến. Theo đó, phương pháp cấp nhiệt gián tiếp để sấy giấy đã được lựa chọn. Sau một thời gian vận hành, phương pháp này đã chứng minh hàng loạt ưu điểm như chi phí vận hành thấp, đơn giản, thiết bị gọn nhẹ, dễ lắp đặt, diện tích sử dụng ít… Ngoài ra, do việc trao đổi nhiệt được thực hiện gián tiếp và đốt bằng củi nên nguồn gió nóng không có tro, muội nên không làm ảnh hưởng tới thiết bị sấy cũng như sản phẩm giấy. Chất lượng giấy do đó đảm bảo sạch, không bám bụi bẩn phát sinh từ lò đốt củi. Lượng than và dầu FO tiết kiệm được sau quá trình sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho công ty.

Như vậy, với hàng loạt giải pháp SXSH, những hiệu quả mà Công ty CP. Lâm Nông Sản – Thực phẩm Yên Bái thu được là thấy rõ. Theo lãnh đạo công ty, đây sẽ là tiền đề để công ty tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp SXSH hơn nữa trong tương lai./.

Lan Phương