[In trang]
Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020
Thứ ba, 29/05/2012
Ngày 12 tháng 4 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Chiến lược đã đề ra quan điểm, mục tiêu và các định hướng ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2011 – 2020, đồng thời chỉ ra các nhóm giải pháp cần thiết để đảm bảo việc đạt được các mục tiêu đề xuất.

Ngày 12 tháng 4 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Chiến lược đã đề ra quan điểm, mục tiêu và các định hướng ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2011 – 2020, đồng thời chỉ ra các nhóm giải pháp cần thiết để đảm bảo việc đạt được các mục tiêu đề xuất.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữa vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Để đạt được mục tiêu tổng quát, Chiến lược đã vạch ra các mục tiêu cụ thể trong 3 lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Về kinh tế, Chiến lược chủ trương bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các cân đối lớn; giữ vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh tài chính; chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu; từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế các bon thấp, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực. Về xã hội, Chiến lược đặt ra mục tiêu là xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, đồng thuận, công bằng, văn minh; nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; con người phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển quan trọng. Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Về môi trường, Chiến lược đưa ra mục tiêu giảm thiểu các tác động tiêu cực của các hoạt động kinh tế đến môi trường. Khai thác hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo. Phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Hạn chế tác hại của thiên tai; chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng.

Để  giám sát và đánh giá phát triển bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, Chiến lược đã đưa ra 30 chỉ tiêu thuộc 04 nhóm cơ bản, trong đó có 01 nhóm chỉ tiêu tổng hợp và 03 nhóm chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, và tài nguyên và môi trường. 25/30 số chỉ tiêu có lộ trình áp dụng từ năm 2011 và 5 chỉ tiêu còn lại sẽ áp dụng từ năm 2015, trong đó có 3 chỉ tiêu tổng hợp: GDP xanh, chỉ số phát triển con người HDI và chỉ số bền vững môi trường. Chiến lược cũng đưa ra số liệu nền của từng chỉ tiêu trong năm 2010 làm căn cứ để đánh giá và mốc phấn đấu các mục tiêu của 2 giai đoạn từ 2011 - 2015 và từ 2015 - 2020.

Chiến lược cũng đã nêu rõ các định hướng ưu tiên phát triển bền vững trong giai đoạn 2011 – 2020 về kinh tế, xã hội và môi trường. Để đạt được các mục tiêu theo các định hướng đề ra, 8 nhóm giải pháp đã được ban hành, trong đó có các giải pháp hoàn thiện hệ thống thể chế và nâng cao chất lượng quản trị quốc gia đối với phát triển bền vững đất nước; nâng cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư trong thực hiện phát triển bền vững; và tăng cường vai trò và tác động của khoa học và công nghệ, đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong thực hiện phát triển bền vững.

Quyết định số 432/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 có hiệu lực từ ngày 12/4/2012.

Toàn văn Chiến lược có thể tải về tại đây.