[In trang]
Mô hình liên kết để xử lý chất thải trong chăn nuôi ở Thừa Thiên - Huế
Thứ năm, 02/08/2012


Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 60% người dân vùng nông thôn đang phát triển chăn nuôi, với tổng đàn gần 600 ngàn con gia súc và hơn 2,4 triệu con gia cầm.

Nguồn chất thải từ chăn nuôi ra môi trường là rất lớn, trong đó, hầu hết chưa có các biện pháp xử lý, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của chính người chăn nuôi và người dân sống quanh vùng.

Để giải quyết vấn đề này, Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục giúp người dân thay đổi ý thức ứng xử với môi trường; hướng dẫn xây dựng các hệ thống xử lý các chất thải từ chăn nuôi, tận dụng các nguồn chất thải làm phân bón hữu cơ để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tỉnh hỗ trợ 1,2 triệu đồng cho các hộ gia đình xây dựng hầm khí bi-ô-ga có diện tích từ 6 m2 đến 12 m2.

Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm của tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, như: triển khai ở mỗi huyện từ một đến hai đội thợ xây dựng hầm bi-ô-ga được đào tạo đúng quy chuẩn, các hộ xây dựng hầm bi-ô-ga được tập huấn miễn phí cách sử dụng, vận hành, bảo dưỡng công trình. Theo cách này, Thừa Thiên - Huế hiện đã phát triển được hơn 3.000 công trình hầm khí bi-ô-ga đưa vào sử dụng. Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế Trần Viêt Hùng cho biết: đối với các vùng thấp trũng, thường hay bị ngập lụt, việc xây dựng hệ thống bi-ô-ga không những giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, mà còn giảm được chi phí mua chất đốt, tăng thêm nguồn thu nhập cho người chăn nuôi. Cái yếu của các địa phương vùng lũ ở Thừa Thiên - Huế là chăn nuôi mang tính chất nhỏ lẻ, mỗi hộ dân chỉ nuôi được khoảng từ 4 tới 6 con lợn/lứa thì không thể xây dựng hầm bi-ô-ga. Muốn xây dựng được hầm khí bi-ô-ga, các đơn vị chức năng cần tư vấn cho người dân liên kết giữa hai hộ, hoặc nhiều hộ dân với nhau. Mô hình này rất phù hợp với quy mô chăn nuôi nhỏ trong các hộ gia đình ở nông thôn hiện nay.

Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa mô hình xử lý rác thải bằng việc sử dụng phương pháp ủ và sử dụng chế phẩm EM, Befgmydt để xử lý chất thải trong cộng đồng dân cư ở các vùng nông thôn hiện nay. Nhiều nơi thay vì chôn lấp chuyển sang phương pháp ủ và sử dụng chế phẩm EM, Befgmydt trong xử lý chất thải. Mô hình này phát huy tác dụng nhanh chóng, làm cho người dân địa phương có ý thức hơn trong bảo vệ môi trường, giảm tải được lượng chất thải từ chăn nuôi trong cộng đồng dân cư.../.