[In trang]
Thiếu nhận thức về tăng trưởng xanh: Điểm yếu của DN Việt Nam
Thứ sáu, 15/05/2015
Đây là khẳng định của ông Trần Quốc Huân – Phó Tổng Giám đốc Công ty Friesland Campina Vietnam tại Hội thảo “Tăng trưởng xanh – Ý tưởng ứng dụng tại Việt Nam” diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Đây là khẳng định của ông Trần Quốc Huân – Phó Tổng Giám đốc Công ty Friesland Campina Vietnam tại Hội thảo “Tăng trưởng xanh – Ý tưởng ứng dụng tại Việt Nam” diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Tại hội thảo, Giáo sư Eric De Keuleneer – Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Tự do Brussel (Bỉ) cho biết, trong bối cảnh phát triển nóng của nền kinh tế thế giới cùng với sự gia tăng dân số kéo theo những hệ quả nghiêm trọng cho môi trường sống, khái niệm “tăng trưởng xanh” được đông đảo các chuyên gia kinh tế, môi trường, lãnh đạo các nước phát triển và các tổ chức quốc tế khẳng định là sẽ là xu thế tất yếu cho sự phát triển kinh tế của thế kỷ 21.

Theo Giáo sư Eric De Keuleneer, tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng đạt được bằng cách tiết kiệm và sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng hiệu quả để giảm thiểu biến đổi khí hậu và thiệt hại tới môi trường, tạo ra các động lực tăng trưởng mới thông qua nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh, tạo các cơ hội việc làm mới và đạt được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, không chỉ môi trường sống được bảo vệ mà sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia ứng dụng tăng trưởng xanh cũng được đảm bảo bền vững. “Đầu tư cho tăng trưởng xanh mạnh mẽ nhất được thực hiện ở khu vực Tây Âu và Đông Á – nơi các nước đều dành ưu tiên cao cho lĩnh vực năng lượng sạch, giao thông thân thiện môi trường, đô thị hóa bền vững, nông nghiệp sinh thái, công nghiệp văn hóa, xây dựng lối sống xanh…” – Giáo sư Eric De Keuleneer nhấn mạnh.

Còn theo ông Trần Quốc Huân – Phó Tổng Giám đốc Công ty Friesland Campina Vietnam, kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy hiện có một số cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, với cách tiếp cận nào, nội dung của tăng trưởng xanh chủ yếu bao gồm các vấn đề: Sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh, phát triển các ngành công nghiệp cao, sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch; xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên; cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế; xây dựng và thực hiện các chỉ số sinh thái.

Theo ông Huân, tại Việt Nam, tăng trưởng xanh tuy đã được nhiều địa phương quan tâm, nhiều doanh nghiệp ứng dụng song chưa thành xu thế do tầm quan trọng của tăng trưởng xanh chưa được thực sự đề cao so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, số đông người dân và doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh. "Đây sẽ là điểm yếu đặc biệt đối với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay khi các công ty mong muốn thu hút nguồn vốn và tìm kiếm khách hàng, đối tác từ nước ngoài” – ông Huân khẳng định.

Ông Huân cho biết thêm: “Ngày nay, các tổ chức tài chính chuyên nghiệp đều có chỉ tiêu về tăng trưởng xanh trong đánh giá đầu tư, và dân chúng ngày càng nhạy cảm hơn đối với những hoạt động ảnh hưởng tới môi trường của doanh nghiệp”.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, với nhiều tính năng và lợi ích của việc ứng dụng công nghệ xanh tuy nhiên để thực hiện và áp dụng thực tế, Việt Nam cũng có những khó khăn nhất định. “Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nên còn nhiều khó khăn, đặc biệt là huy động ngân sách cho việc triển khai. Hy vọng khi xã hội phát triển thêm một bước, việc ứng dụng công nghệ xanh trong công trình xây dựng sẽ được xã hội hóa. Khi đó, không chỉ các công trình trọng điểm, công trình lớn mà các công trình khác cũng sẽ ứng dụng phổ cập hơn để ngành xây dựng Việt Nam có thể sánh vai cùng khu vực và thế giới” – một chuyên gia cho biết.

Ở khía cạnh các, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam là một thị trường có tiềm năng cho việc đầu tư các công nghệ sản xuất và giới thiệu công nghệ xanh đến với doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp Việt Nam kêu gọi một phần vốn ODA để xử lý những tác động về môi trường.