[In trang]
Bắc Cạn: Hiệu quả từ công tác khuyến công
Thứ năm, 12/02/2015
Từ nguồn kinh phí quốc gia và kinh phí địa phương, trong nhiều năm qua Bắc Kạn đã thực hiện hàng trăm đề án khuyến công, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển đời sống văn hóa – xã hội của địa phương.

Từ nguồn kinh phí quốc gia và kinh phí địa phương, trong nhiều năm qua Bắc Kạn đã thực hiện hàng trăm đề án khuyến công, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển đời sống văn hóa – xã hội của địa phương.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ hộ sản xuất


Nhìn lại chuỗi hoạt động khuyến công trong những năm qua, ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Kạn (PTCN BK) nhắc lại với chúng tôi về một đề án triển khai rất hiệu quả đó là xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gỗ ván dăm thực hiện tháng 10/2012. Công ty Cổ phần Sahabak Bắc Kạn đã đầu tư xây dựng hệ thống trang thiết bị chế biến gỗ ván dăm với công suất 4.000 m3 sản phẩm/năm với tổng mức kinh phí đầu tư lên đến 10 tỷ đồng.

 

Dự án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ván dăm giúp các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp tiếp cận được công nghệ sản xuất mới, mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chế biến lâm sản. Xuất phát từ nhận định đó, mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ván dăm đã được triển khai với 169 triệu đồng từ nguồn đầu tư kinh phí khuyến công quốc gia. Đó là một trong những đề án tiêu biểu trong chuỗi hoạt động khuyến công mà Trung tâm khuyến công & tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Kạn phối hợp với doanh nghiệp địa phương thực hiện hiệu quả trong những năm qua.

 

Gần đây nhất, tháng 12/2014 Trung tâm Khuyến công và tư vấn PTCN đã phối hợp với Công ty Cổ phần Hồng Hà tổ chức hội nghị giới thiệu mô hình trình diễn sản xuất miến dong với kinh phí hỗ trợ 250 triệu đồng. Mặc dù nguồn kinh phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp còn khiêm tốn, nhưng các chương trình khuyến công xây dựng những đề án trình diễn mô hình sản xuất đã tạo động lực, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất sản phẩm mới có chất lượng cao. Đồng thời sẽ thu hút các tổ chức trong nước và quốc tế sẽ biết đến địa phương như là một cơ hội lớn để đầu tư và khai thác.

 

Với chủ trương ưu tiên hỗ trợ sản xuất các sản phẩm chủ yếu như nông lâm sản (sản xuất phở, miến dong), sản xuất vật liệu xây dựng (đồ mộc dân dụng, gạch bê tông, ván bóc)... trong giai đoạn 5 năm gần đây (từ 2010 – 2014), Trung tâm khuyến công & tư vấn PTCN Bắc Kạn đã phối hợp tổ chức khoảng 20 đề án khuyến công quốc gia và 95 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí thực hiện gần 6 tỷ đồng.

 

Bên cạnh việc đồng hành cùng các doanh nghiệp, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cho các hộ kinh doanh cá thể, hoạt động khuyến công còn đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nghề trên cơ sở phát huy tiềm lực sẵn có như: chế biến gỗ, chế biến nông sản... tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng được nguồn lực lao động tại địa phương.

 

Năm 2014, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Kết quả đã có 9 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận, trong đó có tới 4 sản phẩm miến dong. Trong đợt bình chọn đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc 2014 có 3 sản phẩm là: Miến dong Triệu Thị Tá; miến dong Nhất Thiện; thịt đà điểu Bắc Kạn được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Nhiều sản phẩm sau khi đạt giải đã quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng, đồng thời xây dựng được thương hiệu sản phẩm có tiếng trên thi trường trong nước cũng như tìm kiếm đối tác để xuất khẩu.

 

Khai thác thế mạnh sẵn có

Bắc Kạn có thế mạnh 85% diện tích là rừng và đất rừng mặc dù tạo ra nhiều khó khăn nhưng cũng đem lại lợi thế lớn trong quy hoạch phát triển công nghiệp nông thôn. Mỗi năm tỉnh trồng mới từ 10.000ha rừng trở lên với cơ cấu giống keo, mỡ. Nhiều diện tích rừng đang chuẩn bị đến kỳ khai thác là điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản (sản xuất gỗ ván dăm, ván bóc, đồ mộc dân dụng...).


 

Về nông nghiệp, cây dong riềng từ lâu đã được coi như giống cây chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên để nâng cao giá trị kinh tế loại cây này vẫn là bài toán khó không chỉ ở khâu chế biến mà còn ở cả khâu quy hoạch vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm miến dong Bắc Kạn làm từ củ dong riềng hiện gây được tiếng vang trên thị trường và có thể trở thành sản phẩm công nghiệp mũi nhọn của tỉnh nếu có sự đầu tư, quy hoạch cụ thể.

 

Với trữ lượng khoáng sản dồi dào, Bắc Kạn còn có tiềm năng phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng. Nhiều cơ sở sản xuất đá, gạch bê tông... cũng được chú ý đầu tư sản xuất hiệu quả và được ưu tiên hỗ trợ đầu tư từ các đề án khuyến công.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn PTCN Bắc Kạn cho biết những khó khăn trong hoạt động khuyến công luôn là vấn đề tài chính. Kinh phí hỗ trợ khuyến công hàng năm từ nguồn ngân sách địa phương khá hạn chế chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn, chưa khuyến khích được các đơn vị mạnh dạn đầu tư vào các ngành sản xuất có chiều sâu. Các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn của tỉnh còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ, ngành nghề chưa đa dạng, trình độ công nghệ thấp, thiếu vốn đầu tư.

 

Năm 2015, Trung tâm tiếp tục xây dựng đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cho 7 cơ sở công nghiệp nông thôn; tổ chức đào tạo khởi sự doanh nghiệp; tập huấn sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho các doanh nghiệp trên địa bàn; tích cực tuyên truyền công tác khuyến công. Trung tâm đang xây dựng kế hoạch dài hạn đến năm 2020 để định hướng hoạt động khuyến công theo hướng ưu tiên hỗ trợ phát triển các ngành nghề phát huy hiệu quả tiềm năng nguyên liệu vùng. Hoạt động khuyến công sẽ tập chung vào việc thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa khuyến công – thương mại với khuyến nông và sản xuất nhằm từng bước thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành công – nông nghiệp phát triển trong mối quan hệ gắn bó đồng bộ.

 

Việc khai thác tiềm năng lâm sản hay khai khoáng tất nhiên sẽ kéo theo những hệ lụy đáng bàn nếu không có sự quy hoạch, chủ trương chặt chẽ trong quản lý. Tuy nhiên ở khía cạnh định hướng khuyến công, chủ trương phát huy sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp dựa trên lợi thế nguyên liệu vùng sẽ tạo nên thương hiệu các sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp mũi nhọn của tỉnh. Để hoạt động khuyến công thực sự phát huy hiệu quả rất cần có sự hỗ trợ của các cấp, ngành, các đơn vị liên quan trong việc nghiên cứu triển khai công tác khuyến công phù hợp với thực tế, thực sự phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương./.

Lê Trang