[In trang]
Hàng vạn lao động có việc làm từ hoạt động khuyến công
Thứ năm, 29/01/2015
Từ nhiều nguồn hỗ trợ, những năm qua đã có hàng trăm tỷ đồng được dành cho hoạt động khuyến công, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động nông thôn (LĐNT); giúp thực hiện thành công chủ trương “li nông bất li hương” và công cuộc XĐGN.

Từ nhiều nguồn hỗ trợ, những năm qua đã có hàng trăm tỷ đồng được dành cho hoạt động khuyến công, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động nông thôn (LĐNT); giúp thực hiện thành công chủ trương “li nông bất li hương” và công cuộc XĐGN.

Chuyển dịch mạnh cơ cấu LĐNT


Bên cạnh việc hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghiệp, hoạt động khuyến công đã góp phần phát triển sản xuất - kinh doanh sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, nhất là các sản phẩm phục vụ xuất khẩu như dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ...

Kết quả rà soát hoạt động tại các cụm công nghiệp (CCN) của 14 địa phương cho thấy, đã có 1.463 dự án đầu tư vào CCN, giải quyết việc làm cho 56.700 lao động; góp phần thu hút đầu tư phát triển CN-TTCN địa phương theo định hướng quy hoạch; di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Ngoài ra, khuyến công còn góp phần cùng thực hiện xây dựng nông thôn mới.


Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công (NĐ45) đã mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách khuyến công. Theo đó, sẽ có sự ưu tiên hỗ trợ theo địa bàn và theo ngành nghề. Các chương trình, đề án được triển khai trên địa bàn ưu tiên và ngành nghề ưu tiên được quan tâm hơn khi xét giao kế hoạch, mức kinh phí so với quy định chung.

Ông Đoàn Thượng Phấn, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp cho biết: “Đơn cử năm 2014, Trung tâm được Bộ Công Thương giao thực hiện 1 đề án khuyến công tại tỉnh Đắk Lắk.

Bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia (210 triệu đồng), Trung tâm đã triển khai đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất gạo, công suất: 3 - 3,5 tấn/giờ tại huyện Ea Súp, công suất đạt khoảng 20 tấn nguyên liệu/ngày, qua đó tạo việc làm thường xuyên cho một số lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng”.

Tại Hà Nội, công tác khuyến công đã giúp giải quyết việc làm cho khoảng 38.000 LĐNT và hàng chục nghìn lao động gián tiếp khác thông qua các hoạt động khuyến công.


Sản phẩm của khu vực công nghiệp nông thôn Hà Nội ngày càng đa dạng về mẫu mã, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm ngày một tăng. Các ngành nghề truyền thống ở các làng nghề nâng cao thu nhập rõ rệt.


Nhiều doanh nghiệp, cơ sở từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, gia công là chủ yếu chuyển sang mở rộng thị trường, xuất khẩu sản phẩm, trở thành các doanh nghiệp có quy mô với trang thiết bị, nhà xưởng khang trang.


Có thể nói, hoạt động khuyến công đã góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động ngoại thành, nhiều xã làng từ chỗ thuần nông trở thành xã, làng có nghề, đưa kinh tế hộ gia đình phát triển.


Đề án phân bổ cho các địa phương còn hạn chế

 

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số tồn tại trong triển khai hoạt động khuyến công, đó là sự gắn kết giữa các doanh nghiệp sản xuất trong cùng ngành nghề còn lỏng lẻo.

 

Ông Đỗ Xuân Hạ, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) cho biết: “Số lượng đề án có quy mô lớn, ảnh hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng chưa nhiều.

 

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến các hoạt động khuyến công của các tỉnh còn hạn chế là việc phối hợp xây dựng các chương trình, đề án hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương luôn gặp khó khăn vì nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ thấp, thủ tục thanh quyết toán mất nhiều thời gian, công sức”.

 

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình Khuyến công quốc gia đến năm 2020, theo đó trong năm 2015 này, phấn đấu đào tạo khoảng 40.000 lao động tại các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ 4.000 lượt học viên tham gia các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng 40 mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng thiết bị, máy móc công nghiệp cho 250 cơ sở...

 

Theo báo cáo tổng kết của Bộ Công Thương, chỉ tính riêng giai đoạn 2011- 2014, khuyến công đã hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề cho gần 94.000 lao động; hỗ trợ xây dựng 221 mô hình trình diễn kỹ thuật, 142 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng chuyển giao công nghệ, tham gia hội chợ triển lãm trong nước với 5.126 gian hàng tiêu chuẩn; hỗ trợ tổ chức 6 hội chợ triển lãm và bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 25 cụm công nghiệp...

Nguyễn Thanh