Căn cứ Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2025 do Bộ Công thương phê duyệt trong năm 2014, UBND TPHCM vừa yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP và UBND các quận, huyện trong phạm vi trách nhiệm khi thẩm định, cấp phép, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư sản xuất giấy trên địa bàn TP theo hướng khuyến khích những dự án có công suất tối thiểu 50.000 tấn/năm và đầu tư trong khu công nghiệp phù hợp.
Đối với các dự án nhà máy sản xuất giấy và bột giấy hiện hữu, TP chỉ đạo Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan lập kế hoạch rà soát các dự án đang hoạt động trên địa bàn TP để đề xuất với Ban chỉ đạo di dời các cơ sở sản gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch, đưa vào Chương trình di dời của TP. UBND TP lưu ý, quá trình di dời kết hợp với việc đầu tư mở rộng và đổi mới thiết bị công nghệ nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 chấm dứt các dự án có máy móc thiết bị, công nghệ lạc hậu với quy mô dưới 10.000 tấn/năm.
Bên cạnh đó, TP cũng giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lập danh mục các công nghệ sản xuất giấy không được phép sản xuất tại TP và các công nghệ tiên tiến khuyến khích các doanh nghiệp triển khai ứng dụng trong hoạt động sản xuất; lập kế hoạch triển khai ứng dụng sản xuất sạch hơn đối với các cơ sở sản xuất giấy trên địa bàn TP. Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP có kế hoạch rà soát lại quỹ đất tại các khu công nghiệp phù hợp để bố trí cho các cơ sở sản xuất giấy, bột giấy di dời từ bên ngoài vào.
Huy Anh