Năm 2015, năm đầu tiên quỹ đổi mới công nghệ quốc gia triển khai xét chọn các nhiệm vụ khoa học để tài trợ. Sự ra đời của quỹ được kỳ vọng sẽ thay đổi tình trạng đề tài “chờ” kinh phí.
Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia được thành lập theo Quyết định số 1342/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ. Vốn điều lệ của quỹ 1.000 tỷ đồng được cấp từ ngân sách Nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ. Theo quy định, quỹ được sử dụng đến 50% vốn ngân sách Nhà nước cấp để thực hiện các hình thức hỗ trợ lãi suất vay, cho vay ưu đãi, bảo lãnh để vay vốn.
Sau khi hoàn thiện các hành lang pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của quỹ, bộ máy, nhân sự và cơ sở vật chất, năm 2015, quỹ chính thức đi vào hoạt động và triển khai xét chọn các nhiệm vụ khoa học với tổng kinh phí tài trợ các nhiệm vụ và hoạt động của ban điều hành quỹ là 300 tỷ đồng. Các nhiệm vụ được quỹ tài trợ bao gồm nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao của doanh nghiệp, ươm tạo công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới; các dự án chuyển giao công nghệ, hoàn thiện, sáng tạo công nghệ để sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia.
Ngoài ra, quỹ cũng tài trợ cho các hoạt động nhân rộng, phổ biến, giới thiệu và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn, miền núi. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, thuê chuyên gia tư vấn trong nước, chuyên gia tư vấn nước ngoài cho phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Ông Hoàng Văn Phong, Chủ tịch hội đồng quản lý quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cho biết, các nhiệm vụ được quỹ xét chọn năm 2015 về cơ bản là các nhiệm vụ đã có nghiên cứu khả thi, có kế hoạch kinh doanh và phù hợp với định hướng ưu tiên của quỹ để có thể thực hiện được ngay trong năm 2015. Tuy nhiên, bên cạnh tài trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí cho các nhiệm vụ, dự án, quỹ có quyền đình chỉ hoặc thu hồi kinh phí đã tài trợ, cho vay khi phát hiện tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ, dự án khoa học công nghệ vi phạm các quy định về sử dụng vốn của quỹ.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh, đối với thế giới thì hình thức tài trợ cho nghiên cứu thông qua quỹ đã có từ lâu nhưng ở Việt Nam còn khá mới mẻ, điều này cho thấy việc quỹ đổi mới công nghệ quốc gia được hình thành và đi vào hoạt động là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự thay đổi nhận thức tư duy của xã hội với hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ. Đứng trước yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế thì việc hỗ trợ cho các nhà khoa học, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp trở thành nhu cầu thiết yếu, điều này cũng được thể hiện cụ thể trong Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi năm 2013.
Sự ra đời của loại hình quỹ khoa học công nghệ sẽ thay đổi được tình trạng đề tài “chờ” kinh phí mà nay sẽ là kinh phí “chờ” đề tài. Đề tài được khoán đến đầu ra của sản phẩm nghiên cứu, hạn chế tối đa các kết quả nghiên cứu xong không được chuyển giao vào thực tế. Quỹ đi vào hoạt động sẽ cùng với quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (chủ yếu tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản) trở thành một hệ thống quỹ của Nhà nước tạo nên một địa chỉ tin cậy cho các nhà khoa học, các viện trường trong cả nước. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành có liên quan để hỗ trợ quỹ hoàn thiện các văn bản cần thiết đảm bảo hoạt động hiệu quả nhất. Đặc biệt, sớm ban hành thông tư mới gỡ bỏ các vướng mắc về cơ chế tài chính trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học như đơn giản các thủ tục hành chính, cách tính công, khoán chi đối với cán bộ tham gia nhiệm vụ khoa học, cơ chế chi đối với chuyên gia nước ngoài…