Trong những năm qua, được sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã tập trung đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Trong những năm qua, được sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã tập trung đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Văn Tơm, Giám đốc Công ty cổ phần May xuất khẩu Sil-Han (phường Tích Lương) cho biết: Sau nhiều năm tham gia sản xuất trong lĩnh vực may mặc, tôi nhận ra rằng, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đòi hỏi phải có sự cải tiến trang thiết bị, đầu tư máy móc công nghệ mới để đa dạng mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2014, được sự tư vấn, giới thiệu của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Công ty đã mạnh dạn đầu tư máy điện tử thùa khuy đầu tròn và 12 máy điện tử 1 kim... với tổng giá trị hơn 4,3 tỷ đồng, trong đó, Trung tâm hỗ trợ 150 triệu đồng. Khi đưa những thiết bị mới này vào sử dụng, công nhân chúng tôi tiêu hao ít năng lượng hơn vì máy chạy bằng điện và tự động cắt chỉ, năng suất lao động tăng gấp 2 lần so với máy thông thường.
Trên đây chỉ là 1 trong 15 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công. Được biết, nhằm khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đầu tư thiết bị, máy móc, đổi mới công nghệ sản xuất, từ năm 2008 đến năm 2014, T.P Thái Nguyên đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thực hiện 15 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ gần 2 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực như: hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản chè, hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong dây chuyền may công nghiệp; xử lý chất thải công nghiệp…
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các mô hình đều phát huy hiệu quả, điển hình như: Mô hình sản xuất chè túi lọc tự động của Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình, mô hình xử lý môi trường xi măng lò đứng của Nhà máy Xi măng Cao Ngạn, mô hình đúc chi tiết các sản phẩm kim loại bằng lò trung tần hiệu suất cao của Công ty cổ phần Đúc Thái Nguyên, mô hình chuyển giao máy móc thiết bị hiện đại vào dây chuyền đóng gói, bảo quản chè bằng công nghệ hút chân không của Hợp tác xã Chè Tân Hương, xã Phúc Xuân… Thông qua các đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, hỗ trợ mở rộng đổi mới thiết bị máy móc, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố đã đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Anh Bùi Trọng Đại, ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương cho biết: Nhà tôi có 1 ha chè, mỗi năm cho thu hoạch 3 tấn chè búp khô. Trước đây, gia đình tôi thường sao chè bằng tôn quay thông thường, đun bằng củi. Năm 2014, được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ 100 triệu đồng mua máy sao chè bằng ga DM35 và máy hút chân không, tôi thấy hiệu quả nâng lên rõ rệt, chất lượng chè được bảo đảm, nước chè xanh hơn, cánh xoăn tròn hơn trông rất bắt mắt. Sử dụng máy sao chè bằng ga thay thế tôn quay đun bằng củi như trước đây, tôi thấy chè không bị ám khói bụi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, máy to, đốt bằng ga nên lửa đều, sao nhanh hơn. Cụ thể, nếu như trước đây, trong 1 tiếng đồng hồ, gia đình tôi chỉ sao được 2-2,5 kg chè búp khô thì nay sao được 10-12kg. Việc sử dụng máy hút chân không cũng góp phần nâng cao chất lượng chè, khâu bảo quản sản phẩm được tốt hơn. Nếu như chè để ở điều kiện bình thường chỉ bảo quản được hơn 1 tháng, sau khi đóng hút chân không có thể bảo quản được 5, 6 tháng mà vẫn thơm ngon. Cơ sở sản xuất chè của gia đình tôi cũng đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Hiện nay, sản phẩm chè của gia đình tôi có giá bán thấp nhất từ 300 nghìn đồng, cao nhất là 3 triệu đồng/kg.
Đánh giá về kết quả thực hiện các đề án khuyến công trên địa bàn T.P Thái Nguyên, ông Phạm Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết: Thời gian qua, các đơn vị thụ hưởng từ nguồn kinh phí khuyến công đã chủ động trong việc đầu tư thiết bị máy móc mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí về công lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thường xuyên cử cán bộ đến tận cơ sở để tư vấn về công nghệ, sản phẩm, thị trường, thiết bị sản xuất nhằm cung cấp thông tin, giải quyết những vướng mắc cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong quá trình triển khai thực hiện các đề án. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất nâng cao năng lực quản lý, xây dựng các mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng doanh thu, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Lương Hạnh