Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương nhấn mạnh, trong các chương trình hành động phải làm trong năm mới này, có việc “ tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định tăng trưởng”.
Những chỉ tiêu và những rào cản
Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015) của tỉnh. Vì lẽ đó, mới đây Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2015: Tốc độ tăng GRDP trên 9%; sản lượng lương thực 750.000 tấn; sản lượng hải sản khai thác 189.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu 425 triệu USD; tổng thu ngân sách nhà nước 8.080 tỷ đồng...
Đánh giá chung, năm qua kinh tế của Bình Thuận tăng trưởng còn chưa vững chắc, nhất là mảng công nghiệp. Một số doanh nghiệp hoạt động còn nhiều khó khăn. Một số sản phẩm tiêu thụ còn khó... Một số quy định còn chưa sát với thực tế gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp. Những rào cản đáng kể nhất trong nước là chi phí vận tải và chi phí cập nhật thông tin. Ở Bình Thuận, chi phí vận tải còn khá cao. Mặc dù chất lượng đường sá ngày càng tốt hơn, nhưng lưu lượng đi lại cao hơn cộng với việc hạn chế tốc độ để đảm bảo an toàn cũng ảnh hưởng nhiều đến thời gian vận chuyển. Rào cản về vốn để sản xuất kinh doanh cũng là một trở ngại lớn…
Giải pháp
Để thực hiện được những chỉ tiêu kế hoạch trên, trong đó có tạo mọi điều kiện, môi trường cho sản xuất kinh doanh phát triển, UBND tỉnh đã đề ra những giải pháp như sau: Triển khai có hiệu quả Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi). Rà soát tham mưu UBND sửa đổi Quyết định số 13/2010/QĐ-UBND ngày 17/3/2010 về giải quyết hồ sơ dự án đầu tư bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách nhà nước tại tỉnh Bình Thuận. Đẩy mạnh hỗ trợ thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; tăng cường đối thoại với các hiệp hội, doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) giai đoạn 2013 - 2015. Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và tiếp cận tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất kinh doanh theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho thông qua tham gia các chương trình khuyến mại, kích thích tiêu dùng, phân phối sản phẩm về vùng nông thôn, vùng sâu với giá cả hợp lý. Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ - thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh. Triển khai có hiệu quả các chương trình: khuyến công, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn và xúc tiến thương mại. Ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đổi mới công nghệ, đầu tư vào các ngành có tiềm năng phát triển tốt. Các sở, ban, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả việc đơn giản hóa thủ tục hành chính theo các quy định pháp luật đã ban hành để giảm bớt chi phí và thời gian của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục thành lập, phá sản doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, kê khai nộp thuế...
Hà Thu Thủy