[In trang]
Hưng Yên: Có nhiều sáng kiến trong quá trình sản xuất
Thứ hai, 29/12/2014
Anh Nguyễn Huy Khải- Xí nghiệp may Ba Hàng, Công ty Cổ phần may và thương mại Tiên Lữ và anh Nguyễn Ngọc Bình- Phòng Công nghệ thông tin, Điện lực Hưng Yên phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, không ngừng học hỏi, sáng tạo đưa ra những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Anh Nguyễn Huy Khải- Xí nghiệp may Ba Hàng, Công ty Cổ phần may và thương mại Tiên Lữ và anh Nguyễn Ngọc Bình- Phòng Công nghệ thông tin, Điện lực Hưng Yên phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, không ngừng học hỏi, sáng tạo đưa ra những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Nhiều năm công tác tại bộ phận Cơ Điện, anh Nguyễn Huy Khải, Xí nghiệp may Ba Hàng, Công ty Cổ phần may và thương mại Tiên Lữ thường xuyên phải tiếp xúc với những mô tơ bị hỏng, bị cháy trong quá trình sản xuất. Nhận thấy, nếu để tất cả những máy móc trở thành phế liệu thì rất lãng phí, anh Khải đã mày mò, tìm cách sửa chữa. Sau đó kết hợp với một số nguyên liệu dễ kiếm như ống nhựa, sắt thép,… cải tiến thành những máy móc hỗ trợ sản xuất, như máy cài cúc, gá chạy cạp trên máy, máy chải lông mũ, máy đánh bông,… Trước đây, phải mất 3 đến 5 công nhân để hoàn thành công việc thì nay chỉ cần 1 người. Các công đoạn sản xuất được giảm bớt, năng suất lao động tăng nên không xảy ra tình trạng chậm tiến độ, làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng.

Hơn 30 tuổi nhưng anh Nguyễn Ngọc Bình, Phòng Công nghệ thông tin, Điện lực Hưng Yên đã sở hữu gia tài với hàng chục đề tài nghiên cứu, phần mềm công nghệ thông tin được đánh giá cao. Tiêu biểu nhất là đề tài Thu thập số liệu từ xa phục vụ công tác điều hành. Với phần mềm này, phòng điều độ có thể kiểm soát mạng lưới điện từ xa. Khi khách hàng thắc mắc hoặc sự cố xảy ra, các điều độ viên có thể xử lý tại cơ quan mà không phải đến tận nơi để đo đạc, tìm kiếm nguyên nhân như trước. Hiện tại, phần mềm quản lý đã được ứng dụng tại Điện Lực Hưng Yên, huyện Yên Mỹ và sẽ được mở rộng trong toàn tỉnh.


Không có kiến thức về chuyên ngành điện nên anh Bình gặp rất nhiều khó khăn lớn nhất trong quá trình nghiên cứu, lập trình. Tuy nhiên, sức trẻ, lòng nhiệt huyết cùng với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của lãnh đạo công ty, các đồng nghiệp đã giúp anh hoàn thành công việc.

Sáng tạo là tài sản nội lực có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế của mỗi một đơn vị, doanh nghiệp, địa phương phát triển. Bởi vậy, những thanh niên có nhiều sáng kiến như anh Khải, anh Bình luôn là tấm gương đáng để các thanh niên khác học tập.