[In trang]
Hà Nội: Nhiều "rào cản" sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Thứ tư, 24/09/2014
Tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả là một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ đề ra và được cụ thể hóa bằng các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trên tinh thần đó, trong những năm qua, Hà Nội đã đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là trong hoạt động sản xuất công nghiệp - nhóm đối tượng tiêu thụ năng lượng lớn nhất. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Lâm - Phó giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội, kết quả đạt được còn rất khiêm tốn, nhiều doanh nghiệp (DN) công nghiệp chưa tích cực triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng!

Tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả là một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ đề ra và được cụ thể hóa bằng các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trên tinh thần đó, trong những năm qua, Hà Nội đã đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là trong hoạt động sản xuất công nghiệp - nhóm đối tượng tiêu thụ năng lượng lớn nhất. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Lâm - Phó giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội, kết quả đạt được còn rất khiêm tốn, nhiều doanh nghiệp (DN) công nghiệp chưa tích cực triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng!

Nhiều rào cản

Thông tin tại hội thảo khoa học “Tiết kiệm năng lượng - Những vấn đề cấp bách”, ông Lâm cho hay: Trong những năm qua, công nghiệp Hà Nội đã có những bước phát triển nhất định. Số DN tăng nhanh chóng và ở hầu hết các thành phần, các ngành sản xuất, với sự xuất hiện của nhiều DN có quy mô vừa và quy mô lớn. Những ngành và sản phẩm công nghiệp của Hà Nội có thể coi là thế mạnh với sự tập trung đông đảo các DN, có đủ sức cạnh tranh và có kim ngạch xuất khẩu là chế biến thực phẩm, dệt may, dày dép, sản xuất tivi, radio, thiết bị thông tin, sản phẩm chế tạo từ kim loại, sản phẩm từ cao su, chế tạo máy móc thiết bị... Đây đều là những DN tiêu thụ năng lượng với số lượng lớn nên vấn đề sử dụng năng lượng sao cho hiệu quả, chi phí thấp rất được quan tâm.


Và trên thực tế, Hà Nội đã có một số DN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ví như Công ty CP giấy Vạn Điểm chẳng hạn. Những năm gần đây, công ty đã áp dụng nhiều biện pháp để tiết kiệm triệt để các nguồn năng lượng. Điển hình như việc thay thế bóng đèn tiết kiệm năng lượng, tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên... Với số vốn đầu tư ban đầu rất ít nhưng đã mang lại hiệu quả cao, mỗi năm tiết kiệm được khoảng 11 ngàn kWh điện. Ngoài ra, công ty còn triển khai lắp đặt biến tần cho hệ thống máy nén khí. Máy biến tần có chức năng điều áp, giúp cân bằng công suất cho hệ thống máy nén khi chạy quá tải hoặc non tải. Hệ thống này đảm bảo cho máy nén khí hoạt động với hiệu suất cao nhất, với mức tiêu thụ năng lượng thấp nhất, nhờ đó giảm điện năng tiêu thụ.

Hay như tiết kiệm than, công ty đã cử đội ngũ cán bộ năng lượng đi đào tạo thêm để hiểu rõ hơn về quy trình vận hành cũng như cách thức sử dụng lò hơi mới. Với đường ống phân phối hơi, công ty cũng tiến hành bọc bảo ôn vị trí các van nối, đường ống hỏng để tránh thất thoát nhiệt và tiết kiệm được than. Công ty đã tiết kiệm được 3,6 tấn than, tương đương 110 triệu đồng.

Nói như vậy để thấy rằng, chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bước đầu đã được các DN trên địa bàn Hà Nội hưởng ứng. Tuy nhiên, theo ông Lâm, tình hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các DN sử dụng năng lượng trên địa bàn Hà Nội nói chung chưa được thực hiện tích cực, toàn diện. Sản xuất công nghiệp tại Hà Nội do nhiều nguyên nhân khác nhau đã khiến chi phí năng lượng còn quá cao so với các nước trong khu vực. Trong khâu tiêu thụ năng lượng, tình hình sử dụng năng lượng kém hiệu quả còn phổ biến. Trong sản xuất công nghiệp, tỷ suất năng lượng tiêu hao cho 1 đơn vị sản phẩm cao hơn nhiều không chỉ so với các nước tiên tiến, mà so cả với những nước trong khu vực.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do cơ sở hạ tầng và nhận thức của cộng đồng DN còn hạn chế. Các nhà máy, xí nghiệp vẫn sử dụng các trang thiết bị đã lỗi thời, công nghệ lạc hậu dẫn đến việc hiệu quả sử dụng năng lượng thấp, tổn thất lớn đặc biệt trong khâu vận hành. Hầu như các nhà máy, xí nghiệp tại Hà Nội đều chưa có mô hình quản lý năng lượng hiệu quả, thiếu cán bộ chuyên trách quản lý năng lượng, công việc này vẫn mang tính kiêm nhiệm, không được chú trọng, thiếu chuyên sâu...

Ngoài ra, một số chương trình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các DN sản xuất công nghiệp tuy được tiến hành nhưng lại không được phổ biến rộng, chưa có đội ngũ cán bộ có đủ năng lực để tiến hành theo phương pháp và cách thức đảm bảo tính chuẩn tắc để thực hiện kiểm toán năng lượng; các biện pháp áp dụng tiết kiệm năng lượng chưa được đề xuất một cách có hệ thống, toàn diện cũng như chưa có đánh giá được tính khả thi của các biện pháp đó…

Cần thêm chính sách hỗ trợ


Năng lượng và vấn đề an ninh năng lượng luôn được xem là một trong những nhiệm vụ sống còn đối với mọi quốc gia, vùng lãnh thổ là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Ở Việt Nam, trong những năm qua, nhằm cụ thể hóa mục tiêu tiết kiệm năng lượng, Đảng, Chính phủ đã đề ra rất nhiều giải pháp, cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và được luật hóa trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Điện lực; Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Tuy nhiên, như đã đề cập tới ở trên, hiệu quả của các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn rất khiêm tốn… đặc biệt là ở các DN sản xuất công nghiệp. Và để tháo gỡ những vướng mắc này, ông Lâm cho rằng: Cần xây dựng một hệ thống giám sát, tuân thủ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở sản xuất công nghiệp. Ví như yêu cầu các DN trọng điểm phải thực hiện kiểm toán bắt buộc, báo cáo tình hình sử dụng năng lượng, thiết lập các hệ thống quản lý năng lượng mới và hoàn thành kế hoạch nhằm đạt được các kết quả về tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh việc triển khai thực thi luật, để đạt được mục tiêu tiết kiệm trong cơ sở sản xuất công nghiệp cần xây dựng chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả trong các cơ sở công nghiệp mới, đồng thời hỗ trợ tài chính cho các dự án nâng cấp, cải tạo sử dụng năng lượng có hiệu quả.

Với mỗi DN, đặc biệt là DN thép, xi măng, khai khoáng, giấy, thực phẩm, dệt may... cần phải xây dựng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện. Đồng thời, bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn như các máy nghiền, trạm bơm nước, máy nén khí... vào giờ cao điểm, không để các thiết bị điện hoạt động không tải. Bên cạnh đó, cần chú ý tắt các thiết bị điện và đèn chiếu sáng không cần thiết trong thời gian nghỉ giữa ca; triệt để tiết kiệm điện chiếu sáng sân, vườn, đường nội bộ trong các khu công nghiệp. Mặt khác, chuẩn bị các nguồn dự phòng để đáp ứng nhu cầu sản xuất khi xảy ra thiếu điện, xây dựng phương án tự cắt giảm phụ tải khi xảy ra thiếu điện.


Về lâu dài, cần xây dựng hệ thống quản lý và giám sát mức tiêu thụ năng lượng trong sản xuất và kinh doanh của các cơ sở sản xuất công nghiệp, khuyến khích tiến tới bắt buộc áp dụng các định mức tiêu hao năng lượng tiên tiến trên 1 đơn vị sản phẩm đối với một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng. Song song với đó, thực hiện quản lý năng lượng các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, hướng dẫn và hỗ trợ các DN thành lập hệ thống quản lý năng lượng nhằm tuân thủ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Thanh Ngọc