[In trang]
Công ty Cổ phần Dệt Tân Tiến: Sáng kiến cải tiến trong quy trình vận hành máy dệt
Thứ ba, 23/09/2014
Những năm qua, Công đoàn Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) luôn xác định phong trào thi đua lao động sáng tạo là mũi nhọn đột phá, góp phần giúp Tổng Công ty phát triển bền vững.

Những năm qua, Công đoàn Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) luôn xác định phong trào thi đua lao động sáng tạo là mũi nhọn đột phá, góp phần giúp Tổng Công ty phát triển bền vững.

Những năm gần đây, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở Khatoco đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thu hút được sự tham gia đông đảo của cán bộ, công nhân lao động. Từ năm 2007 đến nay, đã có gần 500 kỹ sư, công nhân triển khai thực hiện 481 giải pháp sáng tạo, hợp lý hóa sản xuất kinh doanh được công nhận, góp phần làm lợi cho tổng công ty gần 26 tỷ đồng.

Trong đó, có rất nhiều sáng kiến đưa vào ứng dụng thực tế và đạt được hiệu quả cao. Tiêu biểu như giải pháp sáng tạo “Thay thế các lô đồng bằng lô fiber và cải tạo lô sàng mực trong máy in offset LS40 có tính năng dễ dàng tháo lắp khi cần thay thế” của kỹ sư Dương Chấn Lâm và công nhân Lê Nguyên Vũ ở Xí nghiệp in bao bì Khatoco. Sau 2 năm triển khai thực hiện đã làm lợi gần 650 triệu đồng. Đây là sáng kiến mới duy nhất đạt loại A, cấp Tổng Công ty, trong số 70 giải pháp vừa được Hội đồng sáng kiến Khatoco đánh giá, nghiệm thu vào tháng 9-2013. Kỹ sư Dương Chấn Lâm cho biết: “Sáng kiến thay thế lô đồng bằng lô fiber là một phát hiện mới, tuy độ bền sử dụng chỉ đạt khoảng 80% so với sản phẩm nhập khẩu chính hãng, nhưng giá thành thấp hơn rất nhiều. Và giải pháp này còn có thể áp dụng cho các máy in offset hiệu Komori nói chung”.

Trong phong trào phát huy sáng kiến kỹ thuật, kỹ sư Nguyễn Đức Hải, vận hành máy tại Phân xưởng Thuốc lá nguyên liệu - người được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo là một điển hình. Năm 2010, cùng với đồng nghiệp, anh Hải đã thiết kế phần mềm quản lý máy móc thiết bị tại Phân xưởng Thuốc lá nguyên liệu. Với những tiện ích như: Lưu trữ tất cả các cơ sở dữ liệu của máy móc, thiết bị; tự động cảnh báo nội dung cần bảo dưỡng khi đến thời gian quy định; truy xuất nhanh lịch sử của máy... phần mềm này không chỉ giải quyết những khó khăn cho công tác quản lý máy mà còn góp phần nâng cao trình độ tin học của đội ngũ kỹ sư, vận hành máy tại Phân xưởng. Năm 2011, anh Hải tiếp tục cho ra đời sáng kiến cải tiến và hợp lý hóa dây chuyền xử lý lá Burley. Sáng kiến này khi áp dụng thực tế đã giúp Nhà máy tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm ra môi trường bên ngoài do cám bụi của nguyên liệu, tiết kiệm 11 ca sản xuất/năm (25 lao động/ca), giá trị làm lợi gần 160 triệu đồng/năm...

Chị Lê Thị Kim Chi, công nhân vận hành máy tại Phân xưởng Thuốc điếu là công nhân tiêu biểu của Tổng Công ty Khánh Việt, được Liên đoàn Lao động tỉnh công nhận năm 2011. Để có được danh hiệu này, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chị Chi đã có sáng kiến hợp lý hóa sản xuất trên dàn máy vấn điếu, thay thế thành phễu từ inox thành tấm mica trong suốt, giúp thấy rõ những điếu thuốc bị lỗi để kịp thời điều chỉnh hoặc dừng máy để xử lý, tránh tiêu hao vật tư. “Mọi giải pháp đưa ra dù lớn hay nhỏ đều đóng góp vào sự phát triển của Nhà máy. Từ khi phát động phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, môi trường làm việc được cải thiện nhiều hơn. Công nhân được trang bị bảo hộ lao động phù hợp với từng vị trí làm việc, có chế độ chăm sóc sức khỏe và đời sống nâng cao”, chị Lê Thị Kim Chi chia sẻ.


Ông Hồ Thượng Hải - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Khánh Việt, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng sáng kiến Khatoco nhận xét: “Từ 2007 đến nay, gần 500 kỹ sư, công nhân trong toàn Tổng Công ty đã đóng góp 481 sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất kinh doanh được công nhận, tổng giá trị làm lợi xấp xỉ 26 tỷ đồng. Riêng đợt thi đua chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Khatoco đã có 70 giải pháp được công nhận từ cơ sở”.

 

Là lá cờ đầu trong phong trào thi đua lao động sáng tạo của tỉnh, Khatoco luôn quan tâm, khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và ứng dụng các giải pháp sáng tạo trong quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh. Từ năm 2007 đến nay, toàn Tổng Công ty đã có 18 cá nhân với 21 lượt người được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen và huy hiệu lao động sáng tạo; 47 cá nhân với 67 sáng kiến và 12 đề tài khoa học được Liên đoàn Lao động tỉnh công nhận là lao động sáng tạo. Trong số đó, có nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động nhiều năm liền được Tổng Liên đoàn Lao động khen thưởng và cấp bằng lao động sáng tạo như: Đỗ Hữu Quì, Lê Minh Tuấn, Đỗ Hữu Quang, Huỳnh Mai Trung, Nguyễn Hồng Hải… Nhiều sáng kiến đã mang lại lợi ích thiết thực, tiêu biểu như sáng kiến cải tiến kỹ thuật về một số máy chuyên dụng cho ngành thuốc lá, giấy, bao bì của Nhà máy Thuốc lá Khatoco, Xí nghiệp In, Công ty Cổ phần Đông Á…; sáng kiến cải tiến trong quy trình vận hành máy dệt, in của Công ty Cổ phần Dệt Tân Tiến; sáng kiến cải tiến hệ thống quản lý con giống đà điểu của Trung tâm giống Đà điểu Quảng Nam; sáng kiến quản lý văn bản tập trung của Văn phòng Tổng Công ty; sáng kiến quản lý khách hàng của Công ty TNHH Thương mại Khatoco...


Ông Lê Xuân Hải, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh nhận xét: “Ở Khatoco, công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức hướng dẫn người lao động đăng ký thực hiện giải pháp hợp lý hóa sản xuất luôn luôn được tổ chức công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp triển khai bài bản, chu đáo, có khảo sát, đánh giá, kiểm chứng và nghiệm thu kết quả. Nhiều công trình, sản phẩm và giải pháp sáng tạo của đoàn viên Công đoàn Khatoco đã đạt giải cao tại các Hội thi sáng tạo kỹ thuật hàng năm của tỉnh và nhiều năm liền được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khen thưởng. Hiệu quả thiết thực của phong trào đã góp phần rất lớn cho doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, địa phương”.

Vũ Ca