[In trang]
Kon Tum: Công nghiệp trước yêu cầu sản xuất sạch hơn
Thứ năm, 04/09/2014
Là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, những năm qua, sản xuất công nghiệp tỉnh Kon Tum đã có bước phát triển đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư cải tiến máy móc, thiết bị, công nghệ, xử lý môi trường, đổi mới công tác quản lý, điều hành để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, vượt qua những khó khăn hiện nay và đáp ứng với yêu cầu sản xuất sạch hơn trong ngành công nghiệp.

Là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, những năm qua, sản xuất công nghiệp tỉnh Kon Tum đã có bước phát triển đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư cải tiến máy móc, thiết bị, công nghệ, xử lý môi trường, đổi mới công tác quản lý, điều hành để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, vượt qua những khó khăn hiện nay và đáp ứng với yêu cầu sản xuất sạch hơn trong ngành công nghiệp.

Từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho nhân dân, thế nhưng sau khi chuyển đổi chủ sở hữu từ Công ty liên doanh sản xuất Tinh bột sắn Kon Tum, từ đầu năm 2011, Công ty TNHH Tinh bột sắn Kon Tum đã mạnh dạn đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng lại hệ thống xử lý nước thải, với 1 hồ Bioga và 12 hồ lắng lọc, cải tạo đáng kể điều kiện môi trường nơi đây.

Bên cạnh cải thiện về điều kiện môi trường, ngăn chặn các chất nguy hại thải ra môi trường sống, việc đầu tư hồ Bioga còn tiết kiệm được cho Công ty mỗi tháng 1 tỷ đồng từ việc sử dụng khí gas để đốt sấy bột và bả khô thay vì đốt bằng than đá hoặc dầu, lại không có khói thải. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, Công ty TNHH Tinh bột sắn Kon Tum rất chú trọng đến công tác tiết kiệm nguyên vật liệu trong sản xuất như không sử dụng hóa chất trong sản xuất tinh bột và tẩy trắng bột, tiết kiệm điện nước; bố trí, sắp xếp cán bộ, lao động hợp lý, tinh gọn, tập trung cho lao động trực tiếp và mới đây nhất là đầu tư thêm dây chuyền sấy bã khô để tận dụng chất bả thải tạo sản phẩm mới, mang lại nguồn doanh thu đáng kể.


Tại Công ty cổ phần Đường Kon Tum, nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc sản xuất sạch hơn, cũng như để đáp ứng với nhu cầu phát triển, từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã mạnh dạn đầu tư thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu để nâng cao công suất, nâng cao chất lượng và tỷ suất thu hồi đường từ mía, giúp Công ty vượt qua những khó khăn hiện nay.


Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã quan tâm đến việc đầu tư sản xuất các sản phẩm không gây ô nhiêm môi trường, như sản xuất gạch không nung, đầu tư các hệ thống xử lý nước thải, tái sử dụng các phế thải trong sản xuất công nghiệp để đưa vào tái sử dụng hoặc tạo ra sản phẩm mới để tăng thêm lợi nhuận và đảm bảo về môi trường. Điển hình như việc sử dụng bả mía để sản xuất điện tại Công ty Đường, xử lý phế thải để sản xuất khí gas tại Nhà máy Cồn và Tinh bột sắn Đăk Tô, nhà máy tinh bột sắn tại xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, hay đầu tư dây chuyền chế biến mủ cao su, hệ thống xử lý nước thải hiện đại tại Nhà máy chế biến cao su của Công ty TNHH Hiệp Hưng…, đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Tuy mới triển khai thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng với những tiềm năng, nguồn lực hiện có của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn, sẽ là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp Kon Tum tiếp tục áp dụng các mô hình sản xuất sạch hơn, nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển sản xuất công nghiệp bền vững, góp phần thực hiện tốt mục tiêu Kế hoạch hành động của tỉnh và Chiến lược sản xuất sạch hơn của Chính phủ đề ra.

Quang Mẫn- Duy Phong