[In trang]
Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững
Thứ năm, 17/10/2013
Với tổng giá trị gần 2,4 triệu euro, dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA)” do Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) chủ trì thực hiện, với sự tham gia của VASEP, WWF Việt Nam và WWF Áo đã được khởi động. Dự án được kỳ vọng sẽ đưa ngành cá tra phát triển theo hướng sản xuất sạch hơn (SXSH), đồng thời góp phần xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho ngành cá tra nước ta.

Với tổng giá trị gần 2,4 triệu euro, dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA)” do Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) chủ trì thực hiện, với sự tham gia của VASEP, WWF Việt Nam và WWF Áo đã được khởi động. Dự án được kỳ vọng sẽ đưa ngành cá tra phát triển theo hướng sản xuất sạch hơn (SXSH), đồng thời góp phần xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho ngành cá tra nước ta.

Là một trong những ngành sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nước ta, tuy nhiên, nhiều năm nay, do những quy định ngặt nghèo về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm từ các nước nhập khẩu, ngành cá tra gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và đẩy mạnh thị trường xuất khẩu.

Trước thực trạng đó, dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA)” đã được triển khai thực hiện.Dự án này sẽ hình thành một chuỗi liên kết từ trước khi nuôi cá đến khi tiêu thụ, bao gồm: Trước khi nuôi (các nhà sản xuất thức ăn, ươm cá, sản xuất thuốc và hóa chất); nuôi (các DN nuôi cá, các DN vừa và nhỏ nuôi và chế biến kết hợp); chế biến (các DN chế biến, các DN vừa và nhỏ nuôi và chế biến kết hợp); thương mại (các nhà mua và phân phối quốc tế, các nhà thương mại Việt Nam); thị trường cuối (các nhà bán lẻ lớn, các cửa hàng). Dự án sẽ gắn kết các bên liên quan thành một chuỗi xuyên suốt từ người nuôi, DN, nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ, nhà máy chế biến để tạo ra sản phẩm cuối cùng có chất lượng và sức cạnh tranh cao nhất.

Theo ông Ngô Tiến Chương - Điều phối viên Chương trình nuôi trồng thủy sản của WWF Việt Nam, điểm đặc biệt nhất của dự án này là đề ra những giải pháp “từ gốc đến ngọn” để giải quyết những vấn đề của ngành cá tra. Cụ thể, dự án sẽ tập trung vào nâng cao năng lực, thúc đẩy việc sản xuất có trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường và giảm chi phí sản xuất thông qua áp dụng phương pháp luận sử dụng tài nguyên có hiệu quả và SXSH (RE-CP), cải tiến sản phẩm và phát triển thị trường; Tăng cường liên kết chuỗi để tối ưu hóa lợi ích và áp dụng tiêu chuẩn bền vững (ASC) để đáp ứng các yêu cầu về thị trường. Dự án cũng giúp trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho các DN vừa và nhỏ, các nhà sản xuất quy mô hộ gia đình áp dụng các tiêu chuẩn bền vững hiện hành như ASC… hướng tới sản xuất bền vững nhằm nâng cao tính cạnh tranh của ngành cá tra trên thị trường thế giới. Đơn cử như với người nông dân, dự án sẽ tập huấn kỹ thuật nuôi cá, quản lý chất lượng… nhằm giúp người dân có được những sản phẩm tốt nhất. Riêng với khâu chế biến, DN chế biến cá tra sẽ được hỗ trợ tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất, sử dụng hiệu quả nhất nguồn năng lượng, nguyên liệu nhưng vẫn đưa ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao nhất của thị trường nhập khẩu.

Được thực hiện từ tháng 4/2013 đến tháng 3/2017, dự án đề ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ là nước sản xuất và xuất khẩu cá tra bền vững, thân thiện môi trường, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó sẽ có ít nhất 70% DN đạt mục tiêu sản xuất, chế biến cá tra quy mô trung bình và lớn; 30% DN sản xuất thức ăn chăn nuôi và trang trại quy mô nhỏ độc lập, chủ động tham gia quy trình sử dụng tài nguyên hiệu quả và sản xuất sạch hơn; ít nhất 50% DN tham gia cung cấp được sản phẩm bền vững, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế cho thị trường./.

Dự án SUPA có tổng kinh phí gần 2,4 triệu euro (tương đương 64 tỷ đồng), trong đó Liên minh châu Âu tài trợ 1,9 triệu euro thông qua chương trình EU Switch - Asia, chiếm 80% tổng ngân sách của dự án, 20% còn lại sẽ do các bên thực hiện dự án đóng góp.

Dự án sẽ hỗ trợ cho khoảng 200 công ty, nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, 1.000 trại sản xuất giống, 750 cơ sở, đơn vị sản xuất nhỏ và độc lập, 150 cơ sở nuôi cá vừa và lớn, 100 DN chế biến cá tra, basa lớn tại Việt Nam. Dự kiến sau khi dự án hoàn thành sẽ có ít nhất 20 sản phẩm mới và các công nghệ phát triển dựa trên mô hình phát triển bền vững được đưa ra thị trường.