[In trang]
Sóc Trăng: Triển khai sản xuất sạch hơn và khuyến công với nhiều hình thức hỗ trợ
Thứ hai, 30/09/2013
Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đã được Chính phủ triển khai thực hiện và tỉnh Sóc Trăng đã có kế hoạch hành động áp dụng đến năm 2015. Sản xuất sạch hơn đã được nhiều doanh nghiệp trong tỉnh áp dụng thông qua sự hỗ trợ của các ngành, các cấp. Từ năm 2010, ngành Tài nguyên Môi trường đã triển khai cho một số doanh nghiệp thủy sản, bia và nhựa gia dụng. Đến nay, việc triển khai sản xuất sạch hơn đã được thống nhất về một đầu mối - đó là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Trung tâm).

Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đã được Chính phủ triển khai thực hiện và tỉnh Sóc Trăng đã có kế hoạch hành động áp dụng đến năm 2015. Sản xuất sạch hơn đã được nhiều doanh nghiệp trong tỉnh áp dụng thông qua sự hỗ trợ của các ngành, các cấp. Từ năm 2010, ngành Tài nguyên Môi trường đã triển khai cho một số doanh nghiệp thủy sản, bia và nhựa gia dụng. Đến nay, việc triển khai sản xuất sạch hơn đã được thống nhất về một đầu mối - đó là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Trung tâm).

Năm 2013, Trung tâm tiếp tục triển khai sản xuất sạch hơn thông qua nhiều hình thức tuyên truyền và hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật công nghệ… Đồng thời, Trung tâm cũng tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp thông qua hoạt động khuyến công. Cùng với xu thế hội nhập quốc tế, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trở thành một trong những chiến lược quan trọng của cả nước, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đối với Sóc Trăng (triển khai từ năm 2010), chương trình sản xuất sạch hơn đã phát huy tích cực, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp áp dụng. Cùng với đó, qua 3 năm chương trình cũng xây dựng được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, chuyên gia có thể tiến hành xây dựng, triển khai áp dụng sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu trên địa bàn.

Chương trình sản xuất sạch hơn qua 3 năm thực hiện ở 6 doanh nghiệp gồm: 4 doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thủy sản, 01 doanh nghiệp chế biến nhựa và 01 doanh nghiệp sản xuất bia. Hầu hết các doanh nghiệp sau khi thực hiện đều đánh giá cao hiệu quả mang lại như: Thiết bị sản xuất đạt công suất ổn định, giảm chi phí điện nước, lợi nhuận gia tăng, tiết kiệm cho mỗi đơn vị hàng tỷ đồng và giảm được nguồn nước thải, rác thải, tránh gây ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư; qua đó, tiết kiệm hàng năm gần 13 tỷ đồng, tiết kiệm nguyên vật liệu và hóa chất gần 70 tấn, tiết kiệm điện hơn 6,3 triệu kWh và tiết kiệm nước gần 167 ngàn m3/năm. Lợi ích về môi trường là giảm phát thải khí nhà kính gần 4.600 tấn CO2/năm, giảm nước thải gần 167 ngàn m2 và giảm hóa chất độc hại cho môi trường hơn 18 tấn/năm. Môi trường sản xuất và làm việc của các doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Thạc sĩ Trần Văn Thanh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sóc Trăng khẳng định: Sản xuất sạch hơn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giúp giảm thiểu phát thải môi trường và tạo được hình ảnh tốt đẹp cho công ty, doanh nghiệp; thuận lợi cho quá trình kinh doanh của các đơn vị. Thời gian tới, Sở Công thương sẽ là đơn vị chủ động và Sở Tài nguyên Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Mới đây, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức 2 lớp tập huấn về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho lãnh đạo, cán bộ quản lý các xã – phường - thị trấn thuộc các huyện, thị, thành phố tham dự. Lớp tập huấn đã giới thiệu các nội dung về sản xuất sạch hơn, cách tổ chức - áp dụng trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; các hoạt động hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn, chiến lược sản xuất sạch hơn của Chính phủ, kế hoạch hành động của tỉnh Sóc Trăng, nghị định và các hướng dẫn chi tiết về khuyến công… nhằm giúp cho lãnh đạo, cán bộ cấp cơ sở cũng như doanh nghiệp nắm vững nội dung này và nhiệm vụ tại địa phương trong phát triển công nghiệp. Đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch của tỉnh Sóc Trăng đã đề ra đến năm 2015 về sản xuất sạch hơn.

Trao đổi với chúng tôi về nguồn nhân lực cho sản xuất sạch hơn, ông Đinh Mạnh Thắng - chuyên gia sản xuất sạch hơn, Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam cho biết: Dự án về triển khai sản xất sạch hơn đã được thực hiện 3 năm tại tỉnh Sóc Trăng. Chương trình này khi thực hiện đã giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, giảm được tiêu thụ nguyên vật liệu - năng lượng; từ đó giảm được phát thải và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Còn về các cơ quan chức năng, thông qua sản xuất sạch hơn, chương trình đã đào tạo được đội ngũ, nguồn nhân lực chuyên gia về sản xuất sạch để tổ chức triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh, đáp ứng việc thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong thời gian tới theo kế hoạch của Chính phủ cũng như của tỉnh Sóc Trăng.

Đối với Sóc Trăng, phấn đấu từ nay đến năm 2015 có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; 80% cán bộ các cấp, các ngành và địa phương nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn. Mặt khác, 25% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm từ 5 - 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm. Đối với công tác khuyến công và sản xuất sạch hơn, Thạc sĩ Lê Minh Hoàng - Chánh Văn phòng Sản xuất sạch hơn, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: Trong năm 2013, chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt 8 đề án. Trên cơ sở phê duyệt, chúng tôi đã triển khai một số nhiệm vụ như: Tổ chức 2 lớp tập huấn sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho lãnh đạo xã, phường, thị trấn và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền trên báo, đài và phát hành bản tin sản xuất sạch hơn trong công nghiệp để tuyên truyền chủ trương chính sách và hỗ trợ của địa phương về khuyến công và sản xuất sạch hơn đến các cơ sở công nghiệp cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, chúng tôi đã xây dựng 3 mô hình sản xuất sạch hơn: Ngành sản xuất bún, bánh hỏi và hủ tiếu theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; ngành sản xuất nước đá và ngành xay xát. Các mô hình này cũng đang triển khai thực hiện và đến cuối năm 2013, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát đánh giá kết quả đạt được.

Thực hiện sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được cho là một trong những phương án hữu hiệu mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm lượng chất thải, giảm nguyên liệu đầu vào và cho phép các doanh nghiệp tiếp cận tốt các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Áp dụng sản xuất sạch hơn cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp tạo được uy tín và các sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Chương trình năm 2013 đã khởi động và rất mong sự tham gia tích cực của các đơn vị doanh nghiệp.