Kon Tum: Sản xuất sạch hơn vì tương lai
Thứ năm, 28/06/2018
Việc kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải công nghiệp ra hệ thống sông suối từ các dự án, nhà máy có ý nghĩa quan trọng với công tác bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững ở Kon Tum.
Việc kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải công nghiệp ra hệ thống sông suối từ các dự án, nhà máy có ý nghĩa quan trọng với công tác bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững ở Kon Tum.
Không hô khẩu hiệu...
Tháng 5/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị “bàn tròn" với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là bàn giải pháp triển khai chủ trương của UBND tỉnh về việc hoàn thành lắp đặt hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn A (QCVN 01-MT: 2015/BTNMT) trong năm 2017, thay "mốc" cũ là năm 2020.
Vào thời điểm này, dù đánh giá đây là việc “cần làm ngay”, nhằm kiểm soát tốt hơn hoạt động xả thải của các nhà máy, ngăn chặn nguy cơ gây ô nhiễm, làm suy giảm chất lượng nguồn nước trên các lưu vực sông, nhưng cũng có không ít ý kiến băn khoăn về kết quả của nó.
Rồi sẽ trầy trật lắm đây. Tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp là không muốn bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy vào việc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn A, hàng chục tỷ đồng chứ không ít đâu. Họ sẽ viện ra lý do là hệ thống xử lý nước thải đang vận hành cũng đạt yêu cầu (chuẩn B); doanh nghiệp đang khó khăn, khó bố trí kinh phí... để "án binh bất động"- một kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường từng nhận định.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỉnh và ngành chức năng không hô khẩu hiệu suông. Và cũng vì vậy, tất cả đã và đang đi dần vào "quỹ đạo".
Ngay tại hội nghị "bàn tròn" tháng 5/2016, đã có 20 doanh nghiệp (chủ của 22 nhà máy, cơ sở sản xuất có phát sinh nước thải công nghiệp) đã đặt bút ký cam kết thực hiện chủ trương lớn của tỉnh trong năm 2017.
Và đến nay, sau hơn 1 năm triển khai quyết liệt, vượt qua nhiều khó khăn, trong số 20 dự án, nhà máy có phát sinh nước thải công nghiệp đang hoạt động (chủ yếu là nhà máy chế biến mủ cao su và tinh bột sắn) đã có 8 dự án, nhà máy đã hoàn thành đầu tư hệ thống xử lý nước thải loại A; 6 dự án, nhà máy đang triển khai.
Khi mới triển khai, không ít chủ doanh nghiệp tìm gặp tôi phàn nàn rằng hệ thống xử lý nước thải đang vận hành đạt chuẩn B, nghĩa là đạt yêu cầu, bây giờ đập đi, làm mới, lãng phí lắm. Nhưng chúng ta cần hiểu rõ là, chủ trương này của tỉnh không phải "làm khó" doanh nghiệp, mà là hướng tới nền sản xuất sạch hơn vì tương lai, nên khó mấy cũng phải làm. Hôm nay chúng ta làm quyết liệt, ngày sau sẽ không phải mất công sức, tiền bạc ra để khắc phục hậu quả- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Đức Hạnh chia sẻ.
Quyết liệt hơn nữa...
Hình ảnh Đại úy Nguyễn Xuân Hiển- Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV 78 (Binh đoàn 15), cầm ly nước được lấy từ điểm xả cuối hệ thống xử lý nước thải của nhà máy chế biến mủ cao su số 6 và... uống ngon lành đã gây ấn tượng mạnh cho chúng tôi khi đến tìm hiểu về quy trình xử lý nước thải ở đây.
Hành động ấy có sức mạnh hơn bất cứ lời giới thiệu hoa mỹ, hơn bất cứ lời khoe khoang nào. Chỉ cần một hành động ấy, đã chứng minh một cách chân thực nhất rằng, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy đã đạt chuẩn A.
Được xây dựng tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 129 tỷ đồng, công suất 5.000 tấn/năm; hệ thống xử lý nước thải có công suất 550m3/ngày đêm. Từ năm 2017, đơn vị đã đầu tư 22 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo hệ thống cũ (đạt chuẩn B) lên đạt chuẩn A theo đúng cam kết đã ký với Sở Tài nguyên và Môi trường.
Kết quả kiểm tra thực tế tháng 8/2017 của ngành chức năng cho thấy, để nâng cấp lên chuẩn A, doanh nghiệp đã nâng cấp hồ số 5 bằng việc lắp đạt hệ thống thiết bị máy khuấy trộn chìm để xử lý nitơ và phốt pho; cải tạo hồ số 6 bằng việc nâng công suất máy thổi khí, thay đổi chủng vi sinh mới, phù hợp hơn để tăng hiệu quả xử lý nước thải; lắp đặt thêm hệ thống thu nước mặt tại 6 bể lắng của hồ số 7 và hệ thống máy bơm bùn hồi lưu; lắp đặt thêm hệ thống gạn lắng tại đầu ra của hồ số 9, trước khi nước thải theo đường ống chảy ra môi trường tiếp nhận...
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Đức Hạnh, nhà máy chế biến mủ cao su số 6 của Công ty TNHH MTV 78 là 1 trong 8 nhà máy đã hoàn thành, đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn A trong năm 2017, hiện còn 6 nhà máy nữa đang triển khai. Dù tiến độ không đạt như dự kiến, nhưng rõ ràng đây bước tiến lớn trong nỗ lực bảo vệ chất lượng nguồn nước cấp cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn.
Những con số trên sẽ càng có ý nghĩa khi chúng ta biết rằng, tỉnh Kon Tum nằm trong số những địa phương đi đầu về thực hiện chủ trương yêu cầu doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn A, trong khi mặt bằng chung đang áp dụng hiện nay là chuẩn B. Điều này cho thấy quyết tâm của tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường- Giám đốc Phạm Đức Hạnh đánh giá
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn 6/20 dự án, nhà máy đã đi vào hoạt động, hiện đang phát sinh nước thải công nghiệp nhưng chưa triển khai thi công cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn A. Trong đó đặc biệt có 2 nhà máy không ký cam kết thực hiện là Nhà máy chế biến mủ cao su Thuận Lợi (Công ty TNHH MTV Thuận Lợi) và Nhà máy chế biến mủ cao su ATP Kon Tum (Công ty TNHH SX-DV-TM An Phú Thịnh).
Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở các nhà máy hoàn thành cam kết; thực hiện quyết liệt khâu kiểm tra, nếu doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ bị đình chỉ hoạt động, không có ngoại lệ nào. Mạnh tay xử lý những cơ sở gây ô nhiễm nguồn nước, khuyến khích các doanh nghiệp làm tốt khâu tuần hoàn, tái sử dụng nước thải sau xử lý- ông Huỳnh Thúc Viên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định).
Nguồn: baokontum.com.vn