Cao Bằng: Tăng sức hút của chương trình khuyến công
Thứ hai, 21/05/2018
Ngoài việc đề xuất tăng nguồn kinh phí hỗ trợ, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Cao Bằng còn đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, hỗ trợ phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT).
Ngoài việc đề xuất tăng nguồn kinh phí hỗ trợ, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Cao Bằng còn đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, hỗ trợ phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT).
Theo số liệu từ Sở Công Thương Cao Bằng, ngành CNNT của tỉnh hiện có 1.500 cơ sở, trong đó doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể chiếm phần lớn. Đây cũng là đối tượng đã nhận nhiều ưu đãi từ chương trình khuyến công trong suốt những năm qua. Hầu hết các đề án tập trung hỗ trợ cơ sở ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, đạt những kết quả tích cực.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ 400 triệu cho Hợp tác xã Khai thác sản xuất vật liệu không nung đầu tư dây chuyền thiết bị QTY4-15C, công suất 15 triệu viên/năm, xuất xứ Trung Quốc. Đề án được hoàn thành mang lại hiệu quả kép cho cơ sở khi giúp tạo năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, giảm chi phí sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương và hạn chế ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Việc tập trung triển khai nội dung hiện đại hóa sản xuất những năm qua của khuyến công Cao Bằng đã tạo được những hiệu quả đáng ghi nhận, giá trị sản xuất CNNT của tỉnh ổn định và tăng nhẹ. Khuyến khích được doanh nghiệp, cơ sở mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, tạo ra sản phẩm mới thân thiện môi trường, tận dụng được nguồn nguyên liệu và nhân lực sẵn có tại địa phương.
Tuy nhiên, theo nhận định từ đại diện Sở Công Thương Cao Bằng, những kết quả đạt được của công tác khuyến công vẫn chưa được như mong đợi và chưa thực sự tạo được dấu ấn cũng như những mô hình điểm, có tác động mạnh mẽ trong những ngành nghề thế mạnh của tỉnh. Nguyên do, các doanh nghiệp, cơ sở có quy mô nhỏ và cực nhỏ hạn chế về năng lực vốn, quản lý trong đầu tư, mở rộng sản xuất, thậm chí khó đạt các tiêu chí để thụ hưởng sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công. Trong khi đó, doanh nghiệp có năng lực về vốn, quy mô sản xuất bảo đảm các điều kiện thì không mặn mà với chương trình do nguồn kinh phí hỗ trợ thấp đã khiến công tác tìm kiếm đối tượng thụ hưởng của khuyến công Cao Bằng gặp nhiều khó khăn. Lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản vốn là thế mạnh của tỉnh nhưng doanh nghiệp, cơ sở chủ yếu phát triển tự phát, chưa có đủ khả năng tài chính để đầu tư cải tiến hoặc đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất có năng suất cao hơn, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và chưa có định hướng phát triển dài hạn.
Để tăng sức hút cho chương trình khuyến công với các cơ sở CNNT, về ngắn hạn, trung tâm phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương hướng dẫn cơ sở thực hiện đúng tiến độ đề án theo kế hoạch, hợp đồng đã được xây dựng và phê duyệt của năm 2018. Nắm bắt vướng mắc của cơ sở để kịp thời phối hợp tháo gỡ. Tư vấn về thị trường, làm cầu nối liên kết giữa các doanh nghiệp giúp tiêu thụ sản phẩm.
Về lâu dài, trung tâm thực hiện tốt công tác thống kê dữ liệu về cơ sở CNNT trên địa bàn từ đó nâng cao khả năng tìm kiếm đối tượng thụ hưởng phù hợp điều kiện và ngành nghề ưu tiên phát triển. Phối hợp với đội ngũ cộng tác viên khuyến công tuyên truyền phổ biến rộng rãi hơn nữa chính sách khuyến công, nhất là chính sách về chuyển giao công nghệ tới các cơ sở CNNT, thành lập doanh nghiệp và hỗ trợ đăng ký thương hiệu...
Từ năm 2014 - 2017 Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển tỉnh Cao Bằng đã được giao 3,77 tỷ đồng triển khai 33 đề án khuyến công; trong đó, có 16 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật.
Nguồn: baocongthuong.com.vn