[In trang]
Vĩnh Phúc: Đến năm 2015, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ có bộ phận chuyên trách về sản xuất sạch hơn
Thứ năm, 19/09/2013
Giúp cải thiện tình trạng môi trường; giảm chi phí tổng thể; giảm mức phát sinh chất thải, mức tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước; giảm chi phí về bảo vệ môi trường, chi phí xử lý chất thải; tăng năng suất, sức cạnh tranh cho doanh nghiệp... là những kết quả đáng ghi nhận sau 3 năm triển khai thực hiện kế hoạch “Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 - 2015”.

Giúp cải thiện tình trạng môi trường; giảm chi phí tổng thể; giảm mức phát sinh chất thải, mức tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước; giảm chi phí về bảo vệ môi trường, chi phí xử lý chất thải; tăng năng suất, sức cạnh tranh cho doanh nghiệp... là những kết quả đáng ghi nhận sau 3 năm triển khai thực hiện kế hoạch “Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 - 2015”.

Khi được chọn xây dựng mô hình triển khai dự án hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn trên địa bàn tỉnh, Ban lãnh đạo Công ty TNHH công nghệ Cosmos rất e dè, chưa tin tưởng vào hiệu quả của việc này. Sau khi thực hiện các giải pháp thiết thực nhằm tiết kiệm điện, nước, nguyên vật liệu chế biến và tổ chức lại để quy trình sản xuất đạt kết quả cao, vận hành ổn định, mỗi năm, Công ty đã giảm thiểu 9,744 tấn thép phế liệu, giảm tiêu thụ 148.536 kWh điện và đạt được nhiều lợi ích về môi trường như: giảm chất thải rắn, giảm lượng nước thải…

Còn tại doanh nghiệp tư nhân Anh Đức, khi được chọn tham gia làm điểm áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn, doanh nghiệp đã sẵn sàng đầu tư dây chuyền thu hồi bột giấy sản xuất làm bìa carton, bảo ôn mặt bích - lô - xeo giấy và đường ống dẫn hơi nóng, làm kho chứa nhiên liệu và cải tạo mái nhà xưởng. Các giải pháp này giúp doanh nghiệp tiết kiệm hơn 627 triệu đồng, giảm 10% lượng than sử dụng và giảm 15 tấn bùn thải ra môi trường mỗi năm. 

3 năm thực hiện kế hoạch “Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 - 2015” đã giúp hơn 50 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiết kiệm mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Đây là lợi ích trước mắt về kinh tế nhưng quan trọng hơn là giúp doanh nghiệp có cái nhìn, nhận thức khác hơn về tầm quan trọng của sản xuất sạch hơn.

Tuy nhiên, đây là hoạt động mới nên việc áp dụng còn nhiều khó khăn, hạn chế do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện các nội dung chiến lược, trình tự thủ tục hồ sơ triển khai, định mức hỗ trợ các dự án; nguồn kinh phí để triển khai thực hiện sản xuất sạch hơn còn ít; cán bộ phụ trách triển khai thực hiện hoạt động sản xuất sạch hơn hạn chế cả về số lượng và năng lực chuyên môn. Đáng chú ý, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mặc dù đã nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn mang lại, nhưng chưa mạnh dạn đầu tư thực hiện vì còn thiếu vốn, công nghệ và kinh nghiệm…

Với mục tiêu đến năm 2015, các cơ sở được áp dụng sản xuất sạch hơn sẽ giảm nguyên, nhiên liệu đầu vào từ 3 - 8%; tổng lượng phát thải tính trên đơn vị sản phẩm giảm 5 - 10%; 100% doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách về sản xuất sạch hơn, Sở Công thương đang tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất sạch hơn trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng; tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương và các nguồn khác hỗ trợ cho hoạt động sản xuất sạch hơn; triển khai các dự án trình diễn đánh giá tiềm năng sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn và duy trì hoạt động sản xuất sạch hơn sau áp dụng… Bên cạnh đó, sẽ thường xuyên trao đổi thông tin với các đơn vị có liên quan trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật, công nghệ sạch, công nghệ mới thân thiện với môi trường giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.