Quảng Ninh: Tiếp sức cho doanh nghiệp công nghiệp nông thôn
Thứ sáu, 11/05/2018
Với định hướng ưu tiên nguồn vốn cho thực hiện nội dung đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, Quảng Ninh đã và đang giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) cải thiện đáng kể năng lực sản xuất và tạo thêm việc làm cho người lao động.
Với định hướng ưu tiên nguồn vốn cho thực hiện nội dung đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, Quảng Ninh đã và đang giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) cải thiện đáng kể năng lực sản xuất và tạo thêm việc làm cho người lao động.
Năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Ninh được giao thực hiên 14 đề án, trong đó có 10 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất với kinh phí thực hiện 1,52 tỷ đồng. Ghi nhận chung từ đối tượng thụ hưởng cho thấy, các đề án không chỉ hoàn thành đúng tiến độ, nội dung theo hợp đồng mà còn giúp cơ sở hoạt động hiệu quả hơn, doanh thu và lợi nhuận tăng.
Tiêu biểu, Đề án "Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung bằng bê tông xốp" được hỗ trợ triển khai tại Công ty CP liên doanh Hạ Long 135. Thực hiện đề án, doanh nghiệp đã đầu tư 5,5 tỷ đồng xây dựng mới các công trình nhà xưởng, nhà kho, mua sắm lắp đặt toàn bộ máy móc, thiết bị đồng bộ hiện đại cho dây chuyền sản xuất khép kín. Sau khi máy móc, thiết bị vận hành ổn định đã sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam - TCXDVN 6477-2011 áp dụng cho gạch bê tông.
Theo đại diện Công ty CP liên doanh Hạ Long 135, sau rất nhiều nỗ lực thực hiện, đề án đã hoàn thành đúng kế hoạch. Doanh nghiệp cũng đã đưa ra thị trường dòng sản phẩm gạch không nung với các tính năng tốt, giá thành cạnh tranh. Mặc dù nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ không lớn (400 triệu đồng), song đã khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ trong quá trình sản xuất, phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.
Bên cạnh các đề án lớn, khuyến công Quảng Ninh đã triển khai các đề án có quy mô nhỏ, phù hợp với năng lực các cơ sở tại khu vực miền núi, hải đảo. Cụ thể, tại huyện đảo Cô Tô, Trung tâm đã hỗ trợ hộ kinh doanh Bùi Văn Chiến thực hiện Đề án "Đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất đá lạnh công nghiệp phục vụ đánh bắt hải sản". Đề án có tổng kinh phí thực hiện 775 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng cho hạng mục đầu tư cụm máy nén giàn ngưng. Với thiết bị này, cơ sở có thể chủ động trong việc sản xuất, có thời gian nghỉ bảo dưỡng, thay thế các chi tiết nhanh hỏng.
Đề án "Đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sấy nông sản/dược liệu" thực hiện tại huyện miền núi Bình Liêu do Hợp tác xã Phát triển xanh thụ hưởng cũng là điểm nhấn của khuyến công Quảng Ninh năm vừa qua.
Có thể thấy, sự đồng hành của công tác khuyến công đã không chỉ giúp giảm gánh nặng kinh phí mà còn tiếp sức cho các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh đầu tư mở rộng sản xuất. Đồng thời góp sức thúc đẩy ngành CNNT của tỉnh phát triển.
Năm 2018, khuyến công Quảng Ninh tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho nội dung đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Trung tâm đã xây dựng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2018 với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến 2,8 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công quốc gia 800 triệu đồng hỗ trợ cho 4 đề án; kinh phí khuyến công địa phương 2 tỷ đồng hỗ trợ cho 10 - 15 đề án.
Nguồn: Dntm.vn