[In trang]
Ứng dụng công nghệ tự động hóa: Doanh nghiệp còn dè dặt
Thứ hai, 23/10/2017
Phóng viên Báo Công Thương có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thái Hưng - Phó Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam - để phần nào làm rõ nguyên nhân, vì sao doanh nghiệp (DN) vẫn dè dặt áp dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất.

Phóng viên Báo Công Thương có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thái Hưng - Phó Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam - để phần nào làm rõ nguyên nhân, vì sao doanh nghiệp (DN) vẫn dè dặt áp dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất.

Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của công nghệ tự động hóa trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0?

 

Công nghệ tự động hóa đóng vai trò then chốt, là xương sống bởi xu hướng phát triển tập trung vào các nhà máy thông minh, yêu cầu nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh của thời kỳ CMCN 4.0. Đặc biệt, Việt Nam đang trong giai đoạn CNH-HĐH đất nước nên việc ứng dụng tự động hóa trong sản xuất hết sức quan trọng. Hiện công nghệ tự động hóa đã len lỏi trong tất cả lĩnh vực. Mặt khác, hoạt động sản xuất, kinh doanh thời kỳ 4.0 là dựa trên công nghệ thông tin, sinh học, trong đó hệ thống tự động hóa là khâu kết nối tất cả các hoạt động sản xuất. Vì thế, nếu không có bước đi phù hợp, chúng ta không hoàn thành sứ mệnh của cách CMCN 4.0, do đó cần phải được quan tâm đầu tư.

 

Các DN sản xuất Việt Nam đã nhận thức và quan tâm đến công nghệ tự động hóa nhưng còn khá dè dặt trong ứng dụng, vậy đâu là rào cản thưa ông?



Cơ bản các DN đã bắt đầu tiếp cận những đặc tính mới tới máy móc thích hợp với CMCN 4.0. Tuy nhiên, đa số còn dè dặt bởi các rào cản: DN quen với vận hành truyền thống, hệ thống thông tin chưa được kết nối, nguồn nhân lực làm chủ công nghệ mới hạn chế, năng lực tài chính yếu. Do vậy, để giúp DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và hội nhập với thế giới, cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ nhà nước, Chính phủ. Như phân tích những thuận lợi, thách thức, khó khăn, xây dựng chương trình hành động phù hợp; đưa ra các tiêu chuẩn của thế giới, tạo hành lang pháp lý để DN áp dụng, thực thi. 

 

Theo ông, hiện các sản phẩm máy móc, công nghệ sản xuất trong nước đã đáp ứng nhu cầu của DN?



Các sản phẩm máy móc, công nghệ trong nước đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, có một số viện đã nghiên cứu thành công các sản phẩm được sử dụng rộng rãi, chiếm lĩnh thị trường trong nước. Tuy nhiên, một số hệ thống công nghệ vẫn phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, DN FDI. Thực tế, các viện nghiên cứu chưa bám sát thực tế, yêu cầu đòi đổi mới công nghệ, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, môi trường, khả năng cạnh tranh cho DN. Đối với CMCN 4.0, nội địa hóa hết sức quan trọng, do đó chúng ta cần phát triển DN khởi nghiệp sáng tạo, có thể sản xuất các công nghệ mới để tạo ra giá trị gia tăng cao. Cuộc chơi trong thời kỳ CMCN 4.0 là công bằng, đã sản xuất là phải có tiêu chuẩn, do vậy DN phải nhận thức trong chuỗi giá trị toàn cầu.


Hội Tự động hóa sẽ là cầu nối như thế nào để các viện nghiên cứu, DN có thể tìm kiếm sự hợp tác?



Hội Tự động hóa là cầu nối cho nhà nghiên cứu, DN chia sẻ kiến thức, thông tin, tìm được sản phẩm, công nghệ; định hướng cho viện, trường nghiên cứu các sản phẩm phù hợp với DN. Năm nay, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức Hội chợ công nghệ và thiết bị tự động hóa tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đây là sân chơi giúp DN, nhà nghiên cứu quảng bá sản phẩm, chia sẻ thông tin. Sự kiện này là bước đi đầu tiên, phép thử rút kinh nghiệm nhằm đưa công nghệ tự động hóa đến với DN. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức diễn đàn, hội thảo giới thiệu các công nghệ mới, định hướng cho DN khởi nghiệp trong thời kỳ CMCN 4.0. 

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử