[In trang]
Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp: Từ nhận thức đến hành động
Thứ hai, 02/10/2017
<p style="text-align: justify;">Với mong muốn c&aacute;c doanh nghiệp tiếp cận c&ocirc;ng nghệ mới, n&acirc;ng cao &yacute; thức tr&aacute;ch nhiệm trong sử dụng t&agrave;i nguy&ecirc;n hợp l&yacute;, kiểm so&aacute;t &ocirc; nhiễm m&ocirc;i trường, ng&agrave;nh chức năng đ&atilde; triển khai nhiều hoạt động định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn trong c&ocirc;ng nghiệp. Từ đ&oacute;, c&aacute;c doanh nghiệp đ&atilde; c&oacute; nhận thức đ&uacute;ng v&agrave; bước đầu một số đơn vị đ&atilde; triển khai ứng dụng quy tr&igrave;nh n&agrave;y.</p>

Với mong muốn các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, nâng cao ý thức trách nhiệm trong sử dụng tài nguyên hợp lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường, ngành chức năng đã triển khai nhiều hoạt động định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp đã có nhận thức đúng và bước đầu một số đơn vị đã triển khai ứng dụng quy trình này.

Trong những năm qua, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc, tỷ trọng trong GDP của tỉnh ngày càng cao. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng về số lượng các cơ sở sản xuất, ngành nghề, số lượng sản phẩm; vấn đề ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất gây ra, sự tiêu tốn về nhiên liệu, nguyên liệu lại đang đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp.


Theo thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 34 doanh nghiệp lớn tham gia các lĩnh vực sản xuất công nghiệp với nhiều ngành nghề khác nhau như: khai khoáng, chế biến lâm sản, nông sản, may mặc, sản xuất điện, sản xuất vật liệu xây dựng, khí đốt…


Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng có rất nhiều cơ sở sản xuất nhỏ phát triển nhanh đã góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Tuy nhiên, thời gian trước, do những khó khăn về tài chính cũng như việc chưa nhận thức đúng về lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn chưa chú trọng đến quy trình này.


Song, với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động của các ngành chức năng, các doanh nghiệp đã từng bước hiểu và nắm được ý nghĩa, lợi ích của sản xuất sạch hơn nhằm hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững đi đôi với việc bảo vệ môi trường.


Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với Sở Công thương xây dựng kế hoạch hành động với những việc làm thiết thực như cải tiến máy móc thiết bị, thay thế các máy móc, thiết bị lạc hậu bằng những dây chuyền sản xuất tiên tiến hiện đại, tiết kiệm nguyên nhiên liệu để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.


Đặc biệt, các doanh nghiệp ngày càng chú trọng hơn đến việc đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn nhằm hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.


Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp bước đầu xây dựng được quy trình sản xuất sạch hơn như Công ty TNHH  Tinh bột sắn Kon Tum, Nhà máy chế biến mủ cao su Ia Chim (Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum), Nhà máy chế biến mủ cao su số 5 (Công ty THHH MTV 732), Công ty chế biến mủ cao su Hiệp Hưng…

 

Công ty TNHH Tinh bột sắn Kon Tum là một ví dụ tiêu biểu. Trước đây, công ty này luôn gặp phải những vấn đề nan giải như ô nhiễm môi trường do mùi hôi của bã mì tươi thải ra sau sản xuất, nước thải chưa được xử lý triệt để và việc tiêu tốn nhiều nhiên liệu trong quá trình sản xuất, thì 3 năm trở lại đây đơn vị này đã từng bước giải quyết được vấn đề này. 

Ông Đỗ Đình Ban - Giám đốc Công ty TNHH  Tinh bột sắn Kon Tum chia sẻ: Nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng quy trình sản xuất sạch hơn, đơn vị đã từng bước triển khai nhiều biện pháp. Đầu tiên là đầu tư hệ thống sấy bã mì tươi khép kín để giải quyết dứt điểm tình trạng phơi bã mì tươi gây ô nhiễm môi trường, thay thế một số thiết bị mới sử dụng công nghệ tiết kiệm điện năng. Đồng thời, năm 2017, công ty cũng đã xây dựng được hệ thống xử lý nước thải cưỡng bức đạt tiêu chuẩn loại A trước khi xả thải ra môi trường. Có thể nói, sản xuất sạch hơn đã giúp chúng tôi vừa tiết giảm nhiều chi phí không cần thiết, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành giúp cạnh tranh tốt hơn và hơn thế nữa chúng tôi đã xây dựng được môi trường sản xuất trong lành, thân thiện hơn...

Hay như Nhà máy chế biến mủ cao su Ia Chim, thời gian qua đơn vị đã thực hiện đầu tư màng chắn để tận thu được lượng sản phẩm dư thừa trong quá trình chế biến, đồng thời hạn chế xả thải ra môi trường. Hiện tại, Nhà máy đang tiến hành nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải với công suất 1.100 m3/ngày đêm nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, toàn bộ nước thải sẽ được xử lý triệt để đạt tiêu chuẩn loại A trước khi xả ra môi trường.

Cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hằng năm, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình khuyến công Quốc gia, Sở Công thương đã giúp các doanh nghiệp khảo sát, đánh giá các quy trình hoạt động, sản xuất kinh doanh để xác định những tổn thất về nguyên, nhiên liệu trong các khâu sản xuất. Căn cứ vào kết quả khảo sát này, doanh nghiệp sẽ chủ động đưa ra giải pháp, lộ trình triển khai thực hiện.

Riêng trong năm nay, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Hiệp Hưng, Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Vina, doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc khảo sát, đánh giá từng khâu, công đoạn trong quá trình sản xuất của từng doanh nghiệp, trên cơ sở đó để xây dựng kế hoạch thực hiện sản xuất sạch hơn.

Có thể nói, việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp là việc làm quan trọng, cần thiết, có tác động rất lớn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng lớn đến xã hội. Tin rằng, mục tiêu hướng đến phát triển công nghiệp xanh, sản xuất bền vững mà tỉnh đã đặt ra sẽ từng bước được thực hiện để xây dựng nền công nghiệp tỉnh nhà tiên tiến, hiện đại…

Theo Báo Kon Tum