Hiện nay, tỉnh Long An đang thực hiện nhiều giải pháp nâng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nghề trong tổng giá trị sản xuất ở khu vực nông thôn để nâng cao chất lượng sản phẩm ngành nghề. Đồng thời khôi phục, bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; phát triển thêm nghề mới phù hợp với từng địa phương để đa dạng hóa sản phẩm ngành nghề... góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Long An có khoảng trên 30.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ngành nghề nông thôn, thu hút gần 80.000 lao động (chiếm khoảng 8% lao động xã hội) với khoảng 40 loại ngành nghề. Tỉnh có 11 nghề truyền thống, 14 làng nghề, 25 cụm làng nghề truyền thống. Một số nghề mới phát triển như nghề cơ khí nông nghiệp, cơ khí phụ trợ nông nghiệp, nghề đan lục bình, nghề kết cườm, các nghề dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn. Giá trị sản xuất của ngành nghề nông thôn của tỉnh hiện nay chiếm khoảng 5 - 6% giá trị sản xuất ngành công nghiệp, ước tính đóng góp khoảng 5% GDP toàn tỉnh. Thu nhập bình quân trên lao động ước đạt trên 40 triệu đồng/năm/người.
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, tỉnh Long An xác định, việc phát triển làng nghề nông thôn nhằm phát huy mọi tiềm năng để nâng cao sức cạnh tranh, tăng trưởng nhanh, bền vững của sản phẩm do bà con nông dân sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, Long An đang đổi mới toàn diện và đồng bộ, từ quan điểm phát triển, cơ chế, chính sách đến cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho làng nghề nông thôn. Tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thực hiện nhiều chính sách tạo điều kiện và khuyến khích người dân phát triển kinh tế làng nghề, nghề nông thôn theo hướng bền vững…
Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở xay xát đầu tư trang thiết bị và công nghệ hiện đại sấy lúa, tách tạp chất, tách màu, đánh bóng, giảm tỷ lệ gạo gẫy, tăng tỷ lệ gạo nguyên, nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho người phát triển nghề nấu rượu đế Gò Đen bằng các giải pháp như củng cố Hội sản xuất rượu đế Gò Đen; thành lập HTX rượu đế Gò Đen. Song song với đó, hoàn thiện quy trình sản xuất rượu đảm bảo chất lượng đồng nhất, an toàn vệ sinh thực phẩm; khuyến khích đầu tư nâng cấp mặt bằng sản xuất; tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm....
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho hay, Long An cũng hỗ trợ phát triển ngành nghề công nghiệp nông thôn, các ngành công nghiệp xanh và sạch; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, sản xuất sạch hơn nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn, giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, khuyến khích, hỗ trợ phát triển thương mại-dịch vụ nông thôn hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, rộng khắp phục vụ nhu cầu đa dạng sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Ngành công thương sẽ phối hợp với ngành văn hóa và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố Tân An để xây dựng một số điểm trưng bày sản phẩm ngành nghề; điểm dừng chân cho khách du lịch, kết hợp đầu tư xây dựng trung tâm bảo tồn phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch. Xây dựng các chương trình du lịch gắn với các điểm đến tham quan làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh…’’
Hiện, tỉnh Long An ưu tiên nguồn vốn, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn nhằm yêu cầu phát triển của ngành nghề nông thôn. Tập trung khuyến khích phát triển các loại ngành nghề như chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; ngành nghề sản xuất đồ gỗ, dệt chiếu, đan mây tre lá, dệt may, cơ khí nhỏ...
Tỉnh cũng dành gần 2.500 ha đất bưng vùng ngập lụt không sản xuất được lúa ở các huyện Đức Hòa, Đức Huệ và Thủ Thừa để trồng bàng; gần 1.000 ha ở các huyện Cần Đước, Tân Trụ, Bến Lức nằm dọc theo sông Vàm Cỏ Đông để trồng lát và 500 ha trồng tre, trúc ở huyện Đức Hòa và Đức Huệ để đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề, cụm làng nghề sản xuất phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu./.
Theo dantocmiennui.vn