Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất để góp phần tăng năng suất lao động và tối ưu hóa chi phí sản xuất đang là mục tiêu mà Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ hướng tới.
Để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ đã và đang triển khai nhiều giải pháp trong đó có giải pháp ứng dụng giải pháp phần mềm để số hóa các dữ liệu vận hành. Theo đó, Công ty triển khai và ứng dụng thực tiễn giải pháp ghi nhật ký vận hành điện tử cho các nhà máy trong Công ty thay cho việc ghi chép thủ công trên sổ ghi chép.
Phần mềm nhật ký vận hành điện tử được xây dựng trên hệ điều hành Android, cài đặt trên các máy tính bảng của các cương vị vận hành trong ca trực, phần mềm có chức năng nhận dạng thiết bị thông qua các thẻ RFID (Radio Frequency Idennification là công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) giúp cập nhật bảng ghi thông số thiết bị và nhật ký vận hành một cách nhanh chóng. Dữ liệu sau khi được các vận hành viên cập nhật sẽ được lưu tạm thời vào bộ nhớ của máy tính bảng. Khi vận hành viên trở về khu vực làm việc, chương trình sẽ tự động đồng bộ dữ liệu từ máy tính bảng về cơ sở dữ liệu của máy chủ thông qua web service đồng bộ dữ liệu và hệ thống mạng wifi LAN.
Để thuận tiện cho người sử dụng, trang web quản lý nhật ký vận hành được đồng bộ dữ liệu sang phần mềm quản lý kỹ thuật (PRIS) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giúp giảm được rất nhiều thời gian thực hiện nhập số liệu cho các ca vận hành. Nhật ký vận hành, bảng ghi thông số vận hành được số hóa và hỗ trợ xuất ra các form mẫu nên dễ dàng in ấn, lưu trữ và giúp cho việc tra cứu thông tin được nhanh chóng, hiệu quả; giúp kiểm soát được tính xác thực của việc ghi và đánh giá thông số vận hành; tăng cường khả năng kiểm tra, giám sát, quản lý từ xa.
Trước đó, khi chưa ứng dụng ghi nhật ký vận hành điện tử, ở mỗi cương vị vận hành được trang bị 01 quyển sổ để vận hành viên ghi nhận các thao tác và diễn biến trong ca, tình trạng thiết bị khi giao ca, các bất thường, bàn giao thiết bị và ký giao nhận ca. Hàng tháng, ca 3 (ba) ngày cuối tháng các cương vị vận hành được cấp sổ nhật ký vận hành mới để ghi cho tháng tiếp theo, sổ nhật ký cũ được lưu trữ theo quy định.
Việc ghi, truy xuất và tra cứu dữ liệu vận hành của các nhà máy điện được ghi trên các file cứng sau đó phải biên soạn lại thành hồ sơ dữ liệu bản cứng để phục vụ cho việc lưu trữ nên tốn khá nhiều thời gian để biên tập dữ liệu, gây khó khăn khi cần tra cứu dữ liệu. Ngoài ra, việc lưu trữ dữ liệu vận hành bằng bản cứng lâu dài sẽ chiếm rất nhiều không gian lưu trữ tại kho, nhân công bảo quản và mất nhiều thời gian để tìm kiếm khi cần; Duy trì số lượng lớn máy vi tính, máy in tại tại các bộ phận vận hành để in các bảng biểu nhật ký vận hành, thông số vận hành do đó làm tăng chi phí sản xuất.
Sau thời gian triển khai đưa vào sử dụng nhật ký vận hành điện tử tại các nhà máy điện Phú Mỹ cho kết quả tích cực, hiệu quả trong việc ghi nhận, quản lý, lưu trữ, tra cứu các thông tin, sự kiện và dữ liệu thông số kỹ thuật trong ca vận hành nhà máy điện đã góp phần tăng năng suất lao động và từng bước tối ưu hóa chi phí sản xuất tại Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ.
Theo Tạp chí Công Thương