Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp TP. Cần Thơ đã thực hiện nhiều đề án giúp cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) cải thiện sản xuất, tăng doanh thu, lợi nhuận, phát huy thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, khuyến công TP. Cần Thơ vẫn gặp không ít trở ngại, khiến hiệu quả các chương trình đề án chưa cao.
Khó khăn lớn nhất là nhân lực cho hoạt động khuyến công còn thiếu, chất lượng chưa bảo đảm, đặc biệt là đối với các huyện. Cán bộ khuyến công thường kiêm nhiệm và hay thay đổi nên kinh nghiệm còn hạn chế. Điều này khiến việc khảo sát, xây dựng đề án đã không đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, thậm chí phải dừng thực hiện. Công tác tư vấn cho cơ sở CNNT đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và mở rộng quy mô sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn.
Đa số các cơ sở CNNT là doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể nên yếu về tiềm lực tài chính và khả năng huy động vốn, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm đơn điệu, thiếu kế hoạch, chiến lược phát triển dài hạn nên dễ có biến động trong quá trình đầu tư. Trong khi đó, nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương bố trí cho khuyến công quá ít so với nhu cầu thực tế tại địa phương. Quá trình từ khảo sát, xây dựng đề án đến khi có quyết định phân giao thực hiện hỗ trợ khuyến công kéo dài trên 6 tháng, dẫn đến không ít đề án triển khai phải xin ngừng hoặc điều chỉnh làm ảnh hưởng đến kế hoạch chung.
Theo ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ, khuyến công thời gian tới cần chú trọng khuyến khích các đề án ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và tăng cường chuyển giao công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; giảm thiểu xây dựng chương trình, đề án dàn trải, nhỏ lẻ, tăng cường xây dựng đề án mang tính liên kết, mở rộng; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo. Đổi mới và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động khuyến công tới các doanh nghiệp với nội dung phong phú, đa dạng, thiết thực, phù hợp từng đối tượng.
Khắc phục những tồn tại trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp TP. Cần Thơ đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Theo đó, khuyến công thực hiện hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực của thành phố trên cơ sở tận dụng mọi nguồn lực của địa phương. Ông Đoàn Ngọc Hoàng Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp TP. Cần Thơ - cho biết: Năm 2016, trung tâm đã triển khai thực hiện hiệu quả 18 đề án khuyến công thuộc 9 nội dung với tổng kinh phí thực hiện trên 434 triệu đồng. Trọng tâm là tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề ngắn hạn, tập huấn về khởi sự và nâng cao năng lực, kỹ năng quản trị, điều hành doanh nghiệp. Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn “Nâng cao tay nghề tiểu thủ công nghiệp” cho các hộ sản xuất lao động nông thôn tại 3 huyện: Phong Điền, Thới Lai và Cờ Đỏ như: Đan dây nhựa, đan lục bình, đan bội hoa kiểng và kết cườm, qua đó tạo việc làm cho hơn 200 lao động; tổ chức tập huấn khởi sự doanh nghiệp cho 250 học viên; tổ chức học tập kinh nghiệm phát triển nghề, làng nghề trong nước…