[In trang]
Khuyến công Ninh Thuận: Hỗ trợ công nghiệp nông thôn
Thứ ba, 01/08/2017
<p style="text-align: justify;">Năm nay, Ninh Thuận d&agrave;nh gần 1,2 tỷ đồng thực hiện hoạt động khuyến c&ocirc;ng; trong đ&oacute;, nguồn kinh ph&iacute; khuyến c&ocirc;ng quốc gia chiếm 800 triệu đồng.</p>

Năm nay, Ninh Thuận dành gần 1,2 tỷ đồng thực hiện hoạt động khuyến công; trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia chiếm 800 triệu đồng.

Thực hiện đề án khuyến công năm 2017, tỉnh Ninh Thuận dành gần 1,2 tỷ đồng thực hiện hoạt động khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, sử dụng máy móc, thiết bị vào các khâu sản xuất góp phần nâng chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. 

 

Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Thuận, tỉnh hiện có trên 5.570 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn; trong đó, 179 doanh nghiệp, 5.391 hộ kinh doanh cá thể, giải quyết việc làm hơn 21.500 lao động.

 

Qua khảo sát, các cơ sở công nghiệp nông thôn đa số có điểm xuất phát thấp, quy mô nhỏ lẻ. Vốn bình quân của mỗi doanh nghiệp chỉ khoảng 21,9 tỷ đồng; hộ kinh doanh khoảng 70,4 triệu đồng, hợp tác xã khoảng 80 triệu đồng, tổ hợp tác khoảng 30 triệu đồng. 

 

Thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn chủ yếu dựa vào nội lực và kinh nghiệm, chưa có kế hoạch định hướng và phát triển lâu dài. Khả năng tiếp cận nguồn vốn, công nghệ mới của các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn còn nhiều khó khăn. Do đó, công nghiệp nông thôn của tỉnh phát triển chậm, không đồng đều giữa các huyện, thành phố và chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế của địa phương. 


Để tạo đà cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, năm nay, Ninh Thuận dành gần 1,2 tỷ đồng thực hiện hoạt động khuyến công; trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia chiếm 800 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí trên, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh triển khai 11 đề án.


Theo đó, Trung tâm đầu tư 800 triệu đồng triển khai các hoạt động: hỗ trợ thiết bị sấy trong chế biến nông sản; hỗ trợ ứng dụng máy móc ngành may công nghiệp; hỗ trợ máy móc thiết bị chế biến hạt điều; hỗ trợ máy móc thiết bị trong quy trình gia công kỹ nghệ Inox cho 4 cơ sở; dành hơn 115 triệu đồng hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ tại các tỉnh, thành; nâng năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm; đào tạo nghề, nâng cao tay nghề lao động tại địa phương. 


Ông Lê Ngọc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương Mại – Dịch vụ Cường A.I.C (Ninh Thuận), đơn vị được hỗ trợ máy móc thiết bị trong quy trình gia công kỹ nghệ Inox chia sẻ, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của chương trình khuyến công quốc gia, Công ty đầu tư máy khắc cắt, máy cuốn ống kim loại hiện đại để cải thiện sản xuất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhờ đó, Công ty vượt qua khó khăn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. 


Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nguồn ngân sách triển khai các hoạt động khuyến công hạn hẹp dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Việc triển khai các đề án khuyến công hỗ trợ các cơ sở gặp không ít khó khăn.


Nguyên nhân một phần xuất phát từ năng lực nội sinh của các doanh nghiệp như quy mô nhỏ, khó khăn về vốn đối ứng nên khó tiếp cận được nguồn hỗ trợ từ chương trình khuyến công; thậm chí, một số đơn vị thụ hưởng phải ngưng triển khai đề án do không bố trí được nguồn vốn. 


Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Thuận Võ Viết Hiếu cho biết, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục vận động doanh nghiệp có năng lực đổi mới dây chuyền công nghệ, thay thế công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tăng cường công tác chuyển giao công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn. Đồng thời, các cơ sở công nghiệp nông thôn được tư vấn hỗ trợ thông tin về đầu tư, mở rộng sản xuất ngành nghề phù hợp quy hoạch, chiến lược phát triển của từng địa phương. 


Tỉnh Ninh Thuận dành nhiều hỗ trợ cho các doanh nghiệp như rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới, cải thiện môi trường đầu tư, đăng ký kinh doanh, tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục cấp phép xây dựng, thuế để tiết kiệm thời gian, chi phí. Địa phương trợ giúp doanh nghiệp hoàn thiện và nâng chất lượng sản phẩm thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, ký kết và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.

 

Theo Ban biên tập tin kinh tế, TTXVN