[In trang]
Khuyến công Bình Phước: Góp sức nâng cao giá trị hạt điều
Thứ năm, 06/07/2017
<p style="text-align: justify;">Năm 2017, khuyến c&ocirc;ng B&igrave;nh Phước tiếp tục d&agrave;nh nguồn lực hỗ trợ triển khai c&aacute;c đề &aacute;n sản xuất, chế biến điều, qua đ&oacute; g&oacute;p sức n&acirc;ng cao gi&aacute; trị gia tăng v&agrave; sức cạnh tranh của hạt điều B&igrave;nh Phước tr&ecirc;n thị trường.</p>

Năm 2017, khuyến công Bình Phước tiếp tục dành nguồn lực hỗ trợ triển khai các đề án sản xuất, chế biến điều, qua đó góp sức nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của hạt điều Bình Phước trên thị trường.

Bình Phước hiện là “thủ phủ” của cây điều với khoảng 134.000 ha, chiếm gần 50% diện tích điều cả nước, trong đó có 132.000 ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 150 ngàn tấn/năm. Trên địa bàn tỉnh hiện cũng có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở chế biến điều với tổng công suất khoảng 82.000 tấn/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động. Công nghiệp chế biến điều đã và đang góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.


Tuy nhiên, do hầu hết doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, dây chuyền sản xuất chưa đồng bộ nên chưa đa dạng được sản phẩm, tỷ lệ sản phẩm thô còn chiếm tỷ trọng lớn nên giá trị gia tăng không cao, khả năng cạnh tranh kém.


Để giúp các doanh nghiệp ngành điều vượt khó, thời gian qua, khuyến công Bình Phước đã luôn đồng hành và ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều đổi mới công nghệ sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể năng lực sản xuất cũng như giá trị sản phẩm.


Mới đây, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (trung tâm) cũng hỗ trợ 195 triệu đồng cho Công ty TNHH MTV SX TM Hoàng Hưng (xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng) thực hiện Đề án “Ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền chế biến hạt điều xuất khẩu”. Theo đại diện đơn vị thụ hưởng, thiết bị được hỗ trợ là máy bóc vỏ lụa nhân hạt điều model PM300 công suất từ 200 – 300 kg hạt điều nhân/giờ, máy mới 100%, sản xuất tại Việt Nam. Thiết bị đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về kỹ thuật trong chế tạo máy cũng như an toàn trong quá trình vận hành sản xuất.


Trước đó, trung tâm cũng đã hỗ trợ Công ty TNHH MTV SX TM Đức Thịnh (xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng) thực hiện Đề án “Ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền chế biến hạt điều xuất khẩu”. Thiết bị được hỗ trợ đầu tư là máy cắt tách vỏ cứng hạt điều công suất từ 450 – 570 kg điều nguyên liệu/giờ. Thiết bị được đưa vào vận hành ổn định sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện đáng kể năng lực sản xuất cũng như giá trị sản phẩm.


Trong Kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2017 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, Bình Phước được hỗ trợ triển khai 7 đề án, tổng kinh phí thực hiện 1,65 tỷ đồng. Trong đó, có 6 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất và 1 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật. Hầu hết các đề án tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều. Như vậy có thể thấy, khuyến công Bình Phước đã rất quan tâm tới ngành điều và đây tiếp tục là đối tượng trọng điểm được khuyến công tỉnh ưu tiên trong những năm tới.


Để tạo thuận lợi trong triển khai cũng như hấp dẫn hơn nữa các cơ sở chế biến điều tham gia và thụ hưởng chính sách khuyến công, đại diện Sở Công Thương Bình Phước cũng kiến nghị: Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) cho lập theo nhóm đối tượng thụ hưởng để chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; ưu tiên phê duyệt các đề án khuyến công quốc gia hỗ trợ cho ngành chế biến điều xuất khẩu được đăng ký trong kế hoạch hàng năm.

 

Từ đầu năm tới nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Phước đã nghiệm thu thành công 2 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, chế biến điều. Qua đó, góp phần gia tăng giá trị cho hạt điều - sản phẩm chủ lực của tỉnh Bình Phước. 

 

Theo Báo Công Thương