TP.HCM đưa vào hoạt động 37 tuyến buýt sử dụng năng lượng sạch
Thứ sáu, 18/07/2025
TP.HCM sẽ chính thức khai thác 37 tuyến xe buýt mới trong tháng 7 năm 2025, toàn bộ phương tiện sử dụng xe điện và nhiên liệu sạch. Đây là bước tiến quan trọng trong lộ trình chuyển đổi hệ thống giao thông công cộng theo hướng xanh hóa và bền vững.
TP.HCM sẽ chính thức khai thác 37 tuyến xe buýt mới trong tháng 7 năm 2025, toàn bộ phương tiện sử dụng xe điện và nhiên liệu sạch. Đây là bước tiến quan trọng trong lộ trình chuyển đổi hệ thống giao thông công cộng theo hướng xanh hóa và bền vững.
Trước đó, ngày 24/6/2025, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với 17 gói thầu cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá. Sau một thời gian triển khai, thành phố đã lựa chọn được các đơn vị đủ năng lực để đảm nhiệm khai thác 37 tuyến xe buýt mới. Trong đó, Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang – Futabuslines trúng thầu 35 tuyến, bao gồm nhiều tuyến nội đô quen thuộc như 71, 85, 23, 145, 58, 87, 100, 107 và 126. Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải sinh thái Vinbus trúng thầu hai tuyến còn lại là tuyến 150 và 33.
Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng, các phương tiện được đưa vào khai thác trong 37 tuyến này sẽ sử dụng xe buýt điện hoặc xe chạy dầu diesel theo đúng tiêu chuẩn năng lượng sạch, phù hợp với định hướng phát triển giao thông xanh của thành phố. Hiện thành phố đang tiến hành thương thảo với các nhà thầu trúng thầu để sớm triển khai hoạt động các tuyến xe buýt mới trong tháng 7 như kế hoạch.

Ảnh minh hoạ
Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống xe buýt của TP.HCM gồm 138 tuyến với tổng cộng 2.221 xe. Trong đó, có 19 tuyến xe buýt điện với 160 xe và 18 tuyến sử dụng khí CNG với 528 xe. Như vậy, tỷ lệ phương tiện đang sử dụng điện hoặc nhiên liệu sạch hiện chiếm khoảng 31% tổng số xe buýt đang hoạt động tại TP.HCM.
Để đạt được mục tiêu là đến năm 2030 sẽ hoàn tất chuyển đổi 100% xe buýt sang sử dụng năng lượng điện hoặc nhiên liệu sạch, TP.HCM đang nỗ lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đi kèm, đặc biệt là mạng lưới trạm sạc điện và các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy chuyển đổi phương tiện.
Song song với việc đầu tư phát triển hệ thống xe buýt xanh, thành phố còn đang triển khai Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và hướng tới một môi trường sống bền vững.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, đề án này được triển khai theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, thành phố tập trung xây dựng lộ trình và chính sách hỗ trợ việc chuyển đổi toàn bộ xe buýt hiện có sang sử dụng năng lượng điện hoặc năng lượng sạch từ năm 2025. Giai đoạn hai, dự kiến hoàn thành vào quý IV năm 2025, sẽ mở rộng phạm vi kiểm soát khí thải ra toàn bộ các phương tiện giao thông đường bộ khác, bao gồm taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng, xe khách, xe tải và cả phương tiện cá nhân.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đang nghiên cứu và từng bước áp dụng các giải pháp quản lý giao thông như phân vùng ưu tiên cho xe xanh, đồng thời hạn chế hoạt động của các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại khu vực trung tâm và những vùng có giá trị sinh thái đặc biệt như Cần Giờ hay Côn Đảo.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, thành phố đang phối hợp xây dựng các bộ định mức và đơn giá phù hợp cho xe buýt điện, phát triển hệ thống taxi điện, xe đạp công cộng và triển khai hệ thống vé điện tử liên thông giữa các loại hình vận tải công cộng.
Việc khai thác thêm 37 tuyến xe buýt mới sử dụng năng lượng sạch không chỉ góp phần mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng mà còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của TP.HCM trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững, hướng tới xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Linh Chi