Khởi động dự án giảm thiểu POP và thủy ngân hướng tới sản xuất – tiêu dùng bền vững
Thứ sáu, 18/07/2025
Đây là hoạt động quan trọng, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, đồng thời thực hiện các nghĩa vụ quốc tế trong bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Dự án “Giảm thiểu phát thải và tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và nhãn sinh thái”, với sự tài trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) có tổng vốn đầu tư hơn 33,1 triệu USD, trong đó GEF tài trợ hơn 4,6 triệu USD, phần còn lại là vốn đối ứng từ phía Việt Nam. Đây là hoạt động quan trọng, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, đồng thời thực hiện các nghĩa vụ quốc tế trong bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Dự án có thời gian thực hiện kéo dài trong 4 năm (2025–2029), tập trung vào mục tiêu giảm phát thải các hóa chất độc hại, đặc biệt là các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân.

Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: UNDP)
Theo kế hoạch, dự án sẽ hỗ trợ loại bỏ và thay thế khoảng 10.000 thiết bị y tế chứa thủy ngân (như nhiệt kế, huyết áp kế) và 20.000 bóng đèn huỳnh quang, qua đó giảm khoảng 648kg thủy ngân phát thải ra môi trường. Đồng thời, dự án cũng đặt mục tiêu giảm 35 tấn chất POP, bao gồm cả chất phát sinh không chủ định (U-POP) trong quá trình sản xuất và xử lý sản phẩm.
Bên cạnh các mục tiêu kỹ thuật, dự án còn hướng đến việc hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường năng lực quản lý hóa chất tại các bộ, ngành và địa phương.
Việt Nam đã có nền tảng pháp lý tương đối đầy đủ như Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP, tuy nhiên quá trình triển khai thực tế còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc kiểm soát hóa chất độc hại ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất thủ công. Do đó, dự án sẽ hỗ trợ xây dựng các công cụ quản lý hiệu quả hơn như hệ thống thông tin hóa chất quốc gia, quy trình giám sát và báo cáo theo chuẩn quốc tế.
Một điểm nhấn đáng chú ý của dự án là việc thúc đẩy phát triển hệ thống nhãn sinh thái và mở rộng chính sách mua sắm công xanh. Các sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ được hỗ trợ dán nhãn sinh thái, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và lựa chọn. Việc lồng ghép tiêu chí môi trường vào mua sắm công cũng sẽ tạo ra động lực thị trường cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất xanh. Cùng với đó, dự án sẽ thí điểm các cơ chế tài chính xanh như các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ và loại bỏ dần các hóa chất độc hại trong chuỗi sản xuất.
Theo ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, việc khởi động dự án này không chỉ hỗ trợ Việt Nam thực thi các cam kết trong Công ước Stockholm về POP và Công ước Minamata về thủy ngân, mà còn góp phần tạo nền tảng cho chuyển đổi xanh trong lĩnh vực công nghiệp và y tế. Đây là bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời đóng góp thiết thực vào lộ trình đạt phát thải ròng bằng 0 mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26.
Với cách tiếp cận toàn diện từ chính sách, công nghệ đến nhận thức cộng đồng, dự án “Giảm thiểu phát thải POP và thủy ngân” hứa hẹn sẽ tạo ra những chuyển biến thực chất trong cả sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy sự hình thành một nền kinh tế tuần hoàn, xanh và bền vững hơn cho Việt Nam trong tương lai.
Tuệ Lâm