TP.HCM thành lập Tổ công tác chuyển đổi xanh
Thứ tư, 09/07/2025
UBND TP.HCM vừa quyết định thành lập Tổ công tác chuyển đổi xanh nhằm xây dựng chiến lược phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính và hiện thực hóa cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
UBND TP.HCM vừa quyết định thành lập Tổ công tác chuyển đổi xanh nhằm xây dựng chiến lược phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính và hiện thực hóa cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Tổ công tác chuyển đổi xanh với 10 thành viên do TS Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM làm tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và tham mưu Đề án “Chuyển đổi xanh TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”. Trong đó, trọng tâm là đề xuất lộ trình giảm phát thải khí nhà kính của thành phố, với mục tiêu cắt giảm tối thiểu 10% lượng phát thải vào năm 2030 và đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Ngoài ra, Tổ công tác sẽ phối hợp với các sở, ngành, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế để xây dựng cơ sở dữ liệu phát thải, đề xuất các chính sách ưu đãi, mô hình thí điểm và cơ chế tài chính phù hợp với đặc thù đô thị lớn như TP.HCM.

TP.HCM đang nỗ lực chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững (Ảnh: sk&mt)
Việc thành lập Tổ công tác chuyển đổi xanh cũng tạo cơ hội để thành phố huy động sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ, giao thông và năng lượng tái tạo. Một số doanh nghiệp như Vingroup, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các quỹ đầu tư quốc tế đã được nhắc đến như những đối tác tiềm năng trong lộ trình chuyển đổi xanh của thành phố.
Tổ công tác sẽ là đầu mối điều phối, kết nối các cơ quan chức năng, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và cộng đồng nhằm đưa chiến lược chuyển đổi xanh từ chính sách vào thực tiễn. Với tầm nhìn dài hạn, sự quyết liệt trong hành động và cơ chế thử nghiệm linh hoạt, TP.HCM đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố phát thải thấp, xanh và bền vững vào giữa thế kỷ XXI.
Trước đó, thành phố cũng đã và đang triển khai nhiều mô hình chuyển đổi xanh trên thực tế, như lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại các công sở ở huyện Củ Chi, thử nghiệm cơ chế trao đổi và bù trừ tín chỉ carbon, lắp trạm sạc xe điện và phát triển giao thông xanh tại khu vực Cần Giờ. Đặc biệt, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm thị trường tín chỉ carbon theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, mở đường cho việc tham gia thị trường carbon quốc tế trong tương lai.
Cùng với đó, TP.HCM cũng đang triển khai kế hoạch chuyển đổi năng lượng công bằng giai đoạn 2025 - 2050, phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời tăng cường các giải pháp công nghệ thu hồi khí CO₂.
Việc xây dựng lộ trình trung hòa carbon không chỉ mang ý nghĩa về môi trường, mà còn là bước đi thiết yếu trong việc tái cấu trúc mô hình tăng trưởng của thành phố theo hướng xanh và bền vững. Đây là tiền đề để TP.HCM khẳng định vị thế đô thị đầu tàu, sẵn sàng thích ứng với những thách thức toàn cầu và chủ động đón đầu các xu hướng kinh tế mới như tài chính xanh, công nghệ xanh và tiêu dùng xanh.
Phạm Hùng