Thay vì coi bảo vệ môi trường là một yêu cầu phải tuân thủ, Công ty TNHH Bosch Việt Nam đã lựa chọn biến phát triển bền vững thành chiến lược cốt lõi trong toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.
Đặt nền móng cho mô hình tăng trưởng xanh, Bosch Việt Nam liên tục đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm phát thải và nâng cao hiệu quả môi trường trong chuỗi vận hành. Nhà máy Bosch Powertrain Solutions tại tỉnh Đồng Nai hiện đang là một trong những điển hình về sản xuất thông minh kết hợp yếu tố môi trường – xã hội – công nghệ.
Tại Bosch Việt Nam, hệ thống điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà xưởng không chỉ cung cấp một phần nhu cầu điện năng nội bộ mà còn giúp giảm hàng trăm tấn khí CO₂ phát thải ra môi trường mỗi năm. Đồng thời, hệ thống giám sát năng lượng thông minh tự động theo dõi và phân tích lượng tiêu thụ điện, nước và khí nén theo thời gian thực, giúp doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh các thông số vận hành, tránh thất thoát tài nguyên và giảm chi phí năng lượng.
Hệ thống điện mặt trời áp mái tại nhà máy Bosch Việt Nam (Ảnh: Bosch)
Đi đôi với việc chuyển đổi nguồn năng lượng, Bosch Việt Nam cũng chú trọng đến việc quản lý chất thải và nguyên vật liệu một cách hiệu quả. Các quy trình sản xuất được thiết kế theo hướng khép kín, hạn chế phát sinh rác thải công nghiệp và hướng tới mục tiêu không chôn lấp (zero waste to landfill). Những loại phế phẩm có khả năng tái chế được phân loại rõ ràng tại nguồn, sau đó chuyển giao cho các đối tác xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh việc sử dụng vật liệu tái chế và thân thiện với môi trường như: tái sử dụng khay nhựa giúp giảm gần 34 tấn rác thải nhựa đóng gói mỗi năm; thay ly nhựa bằng ly tái sử dụng giúp giảm gần 6 tấn rác thải ly nhựa mỗi năm.
Tái sử dụng khay nhựa và thay ly nhựa bằng ly tái sử dụng để giảm rác thải mỗi năm (Ảnh: Bosch)
Với triết lý “sáng tạo vì cuộc sống”, Bosch không ngừng tìm kiếm các giải pháp tích hợp yếu tố môi trường vào trong thiết kế sản phẩm và quy trình sản xuất. Không chỉ ở nhà máy, các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Bosch tại TP.HCM cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển những sản phẩm công nghệ có hiệu suất năng lượng cao, góp phần tối ưu hoá vận hành cho khách hàng mà vẫn giảm thiểu tác động đến môi trường. Chính nhờ chiến lược đồng bộ này, Bosch Việt Nam đang từng bước thực hiện cam kết trung hòa carbon, đồng hành cùng mục tiêu toàn cầu của tập đoàn Bosch – trở thành doanh nghiệp sản xuất không phát thải CO₂.
“Tại Bosch Việt Nam, yếu tố con người cũng được xem là một phần cốt lõi trong hành trình phát triển bền vững. Văn hóa doanh nghiệp của Bosch đề cao trách nhiệm với môi trường, được thể hiện qua các chương trình như “Green Office”, “Bosch Green Day” và hàng loạt hoạt động tình nguyện vì môi trường do nhân viên khởi xướng. Từ trồng cây, phân loại rác thải đến các chiến dịch nâng cao nhận thức môi trường trong cộng đồng, Bosch đã và đang xây dựng một đội ngũ nhân sự không chỉ giỏi chuyên môn mà còn chủ động hành động vì một tương lai xanh”, ông Phạm Trần Kiên, phụ trách nét zero Công ty TNHH Bosch Việt Nam cho biết.
Không dừng lại trong nội bộ doanh nghiệp, Bosch Việt Nam còn tích cực hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy giáo dục và nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển bền vững. Doanh nghiệp đã tài trợ cho các dự án đổi mới sáng tạo vì môi trường, khuyến khích thế hệ trẻ khởi nghiệp theo hướng công nghệ xanh và chuyển giao tri thức bền vững cho cộng đồng.
Việc đặt yếu tố môi trường làm trung tâm trong định hướng phát triển đã giúp Bosch Việt Nam không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng đặt nặng yếu tố ESG (môi trường – xã hội – quản trị), mà còn tạo ra giá trị thiết thực cho xã hội và môi trường sinh thái. Bosch không đơn thuần là một doanh nghiệp sản xuất, mà đang trở thành hình mẫu cho quá trình chuyển đổi xanh của ngành công nghiệp tại Việt Nam.