Phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Thứ hai, 30/12/2024
Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1639/QĐ-TTg ngày 24/12 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030 (Đề án).
Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1639/QĐ-TTg ngày 24/12 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030 (Đề án).
Đề án đặt ra mục tiêu phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, thân thiện nhằm kiểm soát, cải thiện chất lượng môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao tiềm lực nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ các công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của khu vực và thế giới.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, đề án nêu 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: (1) Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; (2) Tăng cường tiềm lực phục vụ phát triển công nghệ sinh học và thúc đẩy công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; (3) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; (4) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; (5) Truyền thông nâng cao nhận thức về công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030 ề án nêu 5 nhiệm vụ trọng tâm
Trong đó, đối với nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đề án sẽ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, thiết bị xử lý chất thải sản xuất, chế biến nông lâm, thủy sản; sản phẩm xử lý chất thải y tế; sản phẩm xử lý chất thải trong công nghiệp và sinh hoạt ở quy mô công nghiệp, ưu tiên công nghệ thu hồi năng lượng, tuần hoàn tái chế chất thải. Tiếp nhận, giải mã công nghệ mới, dây chuyền thiết bị từ các nước có nền công nghiệp sinh học tiên tiến trên thế giới để phát triển các công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở quy mô công nghiệp.
Về nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế chính sách, Đề án sẽ rà soát, bổ sung và hoàn thiện các hệ thống văn bản pháp lý và cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất quy mô công nghiệp và thương mại hoá sản phẩm công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường, đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước từ nhiều thành phần kinh tế cho phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đối với nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác quốc tế, Đề án tăng cường hợp tác trong nhập khẩu và chuyển giao công nghệ, thiết bị, đẩy mạnh tiếp cận, làm quen một số lĩnh vực quan trọng của công nghệ sinh học môi trường hiện đại; thực hiện việc mua bản quyền, tiếp nhận và giải mã đối với những công nghệ, vật liệu tiên tiến, thân thiện môi trường; Tạo điều kiện để các doanh nghiệp chủ động đầu tư, hợp tác và tiếp nhận chuyển giao công nghệ và các nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài để ứng dụng và phát triển công nghệ sản xuất công nghiệp sản xuất sinh học có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Riêng nhiệm vụ truyền thông, Đề án tập trung tổ chức tuyên truyền, phổ biến và quán triệt các nội dung trong Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của ngành công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện trang thông tin điện tử về công nghệ sinh học môi trường đảm bảo tương thích, phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia; thông tin truyền thông trên trang tin điện tử về công nghiệp sinh học môi trường; cung cấp các thông tin về công nghệ, thiết bị, chuyển giao công nghệ, sản phẩm sinh học sử dụng trong xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
Xem chi tiết: tại đây
Minh Khuê