[In trang]
Giải pháp sản xuất “xanh” trong chế biến tôm đông lạnh
Thứ ba, 03/12/2024
Chế biến thủy sản, đặc biệt là chế biến tôm là ngành công nghiệp quan trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, với giá trị xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, ngành này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường.
Chế biến thủy sản, đặc biệt là chế biến tôm là ngành công nghiệp quan trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, với giá trị xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, ngành này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường.
Quá trình chế biến tôm bao gồm nhiều công đoạn từ thu hoạch, làm sạch, hấp, nấu, đông lạnh cho đến đóng gói và vận chuyển. Mỗi công đoạn đều có thể tạo ra khí thải và chất thải tác động đến môi trường. Một trong những nguyên nhân chính là nhu cầu tiêu thụ năng lượng lớn của các nhà máy chế biến tôm cho việc làm lạnh, nấu, hấp và vận hành các thiết bị trong nhà máy. Nếu năng lượng này được cung cấp từ nhiên liệu hóa thạch, sẽ sản sinh ra một lượng lớn khí CO2 và các khí nhà kính khác được phát thải vào không khí.
Bên cạnh đó, chất thải từ quá trình chế biến tôm, bao gồm vỏ tôm, nước thải, dầu mỡ và các hóa chất sử dụng trong công đoạn làm sạch cũng có thể gây ô nhiễm môi trường nếu không được xử lý đúng cách. Đồng thời, quá trình vận chuyển tôm từ các nhà máy chế biến đến các thị trường tiêu thụ cũng góp phần tạo ra khí thải từ các phương tiện giao thông.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang (Hậu Giang). Ảnh: TTXVN
Trước những thách thức kể trên, việc giảm phát thải trong chế biến tôm không chỉ là một yêu cầu cấp thiết đối với môi trường mà còn là một chiến lược phát triển bền vững cho ngành chế biến thủy sản. Các giải pháp như sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa quy trình chế biến, cải tiến công nghệ xử lý chất thải, và tối ưu hóa vận chuyển sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao hiệu quả kinh tế và cạnh tranh cho các doanh nghiệp chế biến tôm. 
Sử dụng năng lượng tái tạo
Theo ông Đào Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng phát triển thị trường thủy sản, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thực tế ngành chế biến thủy sản Việt Nam nói chung, chế biến tôm đông lạnh nói riêng đang tích cực chuyển đổi và đã có những tiến bộ đáng kể. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn đã áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn để giảm thiểu, tiết kiệm tối đa nguyên nhiên vật liệu, năng lượng.
Một trong những giải pháp hiệu quả nhất để giảm phát thải trong chế biến tôm là chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Phần lớn các nhà máy chế biến tôm đã lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời hoặc sử dụng năng lượng gió và sinh khối để cung cấp năng lượng cho quá trình chế biến. Việc sử dụng năng lượng tái tạo không chỉ giúp giảm lượng khí CO2 thải ra mà còn làm giảm chi phí vận hành trong dài hạn.
Cải tiến quy trình chế biến
Ông Ngô Tiến Chương, Trưởng nhóm Thủy sản của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) cho biết, để phát triển hiệu quả ngành tôm, một trong những giải pháp hàng đầu được đặt ra là áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để tăng năng suất, giảm thiểu rủi ro và bảo vệ môi trường. Về lâu dài, công nghệ cũng sẽ giúp người nuôi và doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất.
Các công nghệ chế biến hiện đại có thể giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm tiêu thụ năng lượng. Việc sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng như hệ thống đông lạnh nhanh, hấp chân không và các máy móc tự động hóa giúp giảm thời gian chế biến và tiết kiệm năng lượng. Những công nghệ này còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu lãng phí trong các công đoạn chế biến.
Hệ thống làm lạnh nhanh (Ảnh: tepbac.com)
Riêng đối với công đoạn đóng gói, việc chuyển sang sử dụng bao bì thân thiện với môi trường như bao bì phân hủy sinh học hoặc sử dụng công nghệ đóng gói tiết kiệm vật liệu sẽ giúp giảm lượng chất thải rắn do bao bì gây ra.
Quản lý chất thải hiệu quả
Các chất thải từ quá trình chế biến tôm như vỏ tôm, các phụ phẩm, nước thải và dầu mỡ nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc áp dụng các công nghệ xử lý chất thải hiệu quả là vô cùng quan trọng. Không ít nhà máy chế biến tôm đang triển khai sử dụng công nghệ sinh học để xử lý nước thải, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước và tái sử dụng nước trong quá trình sản xuất. 
Cùng với việc đầu tư hệ thống trang thiết bị sản xuất giảm phát thải, các doanh nghiệp chế biến tôm cũng đang có xu hướng tận dụng phế phẩm của tôm để tạo thêm giá trị gia tăng, tránh lãng phí nguồn tài nguyên phụ phẩm hữu cơ. Việc tái chế và sử dụng lại các phụ phẩm từ tôm, như vỏ tôm, để sản xuất phân bón hoặc làm nguyên liệu cho các sản phẩm khác, không chỉ giúp giảm ô nhiễm mà còn tạo ra giá trị kinh tế từ những vật liệu này.
Phụ phẩm ngành công nghiệp chế biến tôm (Ảnh: tuoitre.vn/)
Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tại 34 địa phương có hoạt động chế biến tôm trên cả nước, chỉ trong 2 năm, tổng sản lượng phế phụ phẩm tôm là 500.000 tấn, chủ yếu là đầu và vỏ tôm. Doanh thu từ các sản phẩm chế biến từ phụ phẩm tôm mang về gần 4.000 tỷ đồng. Nếu tận dụng tốt, con số này có thể cao hơn rất nhiều, thậm chí có chuyên gia còn cho rằng có thể mang về cả tỷ USD. 
Theo ông Đào Trọng Hiếu, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho ngành tôm. Vì vậy, cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tái chế, chế biến phụ phẩm tôm thành các sản phẩm giá trị gia tăng sử dụng trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thực phẩm, y dược và mỹ phẩm. Bởi, dư địa lĩnh vực này còn rất lớn, khoảng 70% phụ phẩm tôm chủ yếu phục vụ trong lĩnh vực chăn nuôi, công nghiệp thực phẩm chiếm hơn 15% và trong y dược chưa tới 2%. Trong khi đó, sản phẩm chế biến từ phụ phẩm tôm chủ yếu tiêu thụ trong nước tới 80 – 90%, còn lại là xuất khẩu, chủ yếu sang các nước châu Á (Trung Quốc, Thái Lan).
Tối ưu hóa vận chuyển
Vận chuyển sản phẩm tôm từ nhà máy chế biến đến các thị trường tiêu thụ là một công đoạn quan trọng và cũng đóng góp vào phát thải khí CO2. Việc sử dụng các phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng như xe tải điện hoặc xe sử dụng nhiên liệu sinh học sẽ giúp giảm thiểu lượng khí thải từ quá trình vận chuyển. 
Đồng thời, việc tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển, giảm số lần vận chuyển là chìa khóa để tăng hiệu quả kinh doanh và giảm lượng khí thải. Cần tối ưu hóa khả năng chuyên chở của phương tiện giao hàng, tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao khả năng lập kế hoạch cho tuyến đường. Các nhà cung cấp dịch vụ logistics đứng trước thách thức trong việc sử dụng công nghệ AI, máy học để tạo ra các thuật toán nhằm tối ưu hóa các tuyến đường và giảm lượng khí thải carbon.
Giảm thiểu lượng khí thải carbon là chiến lược dài hạn không chỉ của các công ty, quốc gia mà còn của cộng đồng quốc tế. Các tổ chức nhận ra nhu cầu trong việc sử dụng các nền tảng hiện đại hóa dựa trên điện toán đám mây để quản lý chuỗi cung ứng. Các nền tảng như vậy giúp các hoạt động trong chuỗi cung ứng tuân thủ các quy định về khí thải và tự động thay đổi khi các quy định về phát thải điều chỉnh. Do đó, sự nhạy bén trong việc thích ứng là chìa khóa để giảm lượng khí thải trong hoạt động logistics.
Nhìn một cách sâu rộng, các giải pháp giảm phát thải trong chế biến tôm mang lại nhiều lợi ích cho cả môi trường và nền kinh tế. Hơn nữa, các nhà máy chế biến tôm có thể xây dựng thương hiệu “xanh”, thu hút khách hàng có ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu đến các quốc gia có yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường. Việc giảm phát thải cũng giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và duy trì sự phát triển bền vững của ngành chế biến thủy sản. 
Minh Khuê