Bộ Công Thương tập trung triển khai hiệu quả Luật bảo vệ môi trường
Thứ tư, 20/11/2024
Nhằm thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai nhiều nội dung, hoạt động thiết thực.
Nhằm thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai nhiều nội dung, hoạt động thiết thực.
Ông Vũ Ngọc Hưng - Trưởng phòng, Phòng Bảo vệ môi trường Công Thương, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã chia sẻ thêm về vấn đề này.
Thưa ông, sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành và đi vào cuộc sống, Bộ Công Thương đã có những hoạt động cụ thể nào trong triển khai thực hiện Luật?
Ông Vũ Ngọc Hưng - Trưởng phòng, Phòng Bảo vệ môi trường Công Thương Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp
Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai một số nội dung chính như: (i) Xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về tái sử dụng, tái chế và sử dụng chất thải làm nguyên liệu, vật liệu thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật; (ii) Thực hiện phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ, ứng phó sự cố môi trường; tái sử dụng, tái chế chất thải, bảo vệ môi trường đối với chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy; (iii) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện văn bản pháp luật được giao chủ trì xây dựng; (iv) Quản lý, vận hành, cung cấp, cập nhật thông tin môi trường, cơ sở dữ liệu môi trường thuộc phạm vi quản lý của ngành; (v) Hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường trong các hiệp định, thỏa thuận thương mại quốc tế; thực hiện nội dung kinh tế tuần hoàn, lồng ghép yêu cầu về bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch, hoạt động đầu tư.
Theo đó, để triển khai thực hiện các nhiệm vụ này, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 27/2019/TT-BCT ngày 15/11/2019 quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu (Thông tư 27); Thông tư số 41/2020/TT-BCT ngày 30/11/2020 quy định quản lý vận hành hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản (Thông tư 41); Thông tư số 42/2020/TT-BCT ngày 30/11/2020 quy định việc khai báo, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương (Thông tư 42).
Các chính sách này đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực Công Thương, tăng cường hiệu quả thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của ngành Công Thương được giao tại Luật BVMT năm 2020.
Bên cạnh đó, hàng năm, Bộ đã tổ chức và kiểm tra việc thực hiện các văn bản, chính sách trong các lĩnh vực có liên quan, như: Quyết định số 192/QĐ-TTg ngày 13/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025; Quyết định số 1375/QĐ-TTg ngày 8/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020 – 2025.
Đến nay, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường trong quá trình sửa đổi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước, Luật Hóa chất, Luật Khoáng sản, đồng thời tham gia góp ý các văn bản quy phạm pháp luật về phòng ngừa ứng phó sự cố chất thải; sửa đổi hệ thống QCVN về môi trường …
Qua quá trình triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, ông đánh giá thế nào về công tác thực thi của các doanh nghiệp của ngành Công Thương?
Cùng với việc ban hành các chính sách để cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao tại Luật BVMT năm 2020, Bộ Công Thương đã chủ động truyền thông, phổ biến, hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định mới của Luật BVMT 2020 và các văn bản hướng dẫn Luật tới các doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng Công ty thông qua các hội nghị tập huấn, đào tạo và các kênh truyền thông thuộc Bộ, góp phần tăng cường nhận thức và năng lực thực thi pháp luật trong ngành Công Thương.
Thực hiện quy định tại Thông tư 41 và Thông tư 42, thông qua các đoàn kiểm tra, đoàn công tác đánh giá cho thấy đơn vị đã cơ bản chấp hành theo các quy định về vận hành, giám sát an toàn, phòng ngừa ứng phó sự cố hồ chứa quặng đuôi. Tính đến nay đã có khoảng 864 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý khai báo thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương, đây là công cụ quan trọng giúp Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý môi trường, kịp thời đưa ra các giải pháp kiểm soát, giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ý kiến tổng hợp từ các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp ngành Công Thương cho thấy việc hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường có nhiều thay đổi, thiếu ổn định có thể dẫn đến vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các nội dung khó xác định đối tượng để cấp Giấy phép môi trường (các tòa nhà văn phòng, các cửa hàng xăng dầu, đường dây truyền tải điện…), thiếu quy định chuyển tiếp về quan trắc tự động liên tục, quan trắc định kỳ, thiếu các quy định và lộ trình áp dụng chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)…
Trong thời gian tới, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được giao tại Luật BVMT và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật, bao gồm các nội dung về phát triển ngành công nghiệp môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Công Thương, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy, phát triển kinh tế tuần hoàn và các nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động BVMT khác. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ TNMT trong quá trình rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn trong quá trình triển khai.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Nguồn: MOIT